Site icon Khang Duc Investment & Construction JSC

Quảng Trị chấp thuận đầu tư dự án điện khí 2,3 tỷ USD

Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I (1.500 MW) vừa được tỉnh Quảng Trị trao quyết định chấp thuận đầu tư hôm 7/10 cho các nhà đầu tư gồm T&T Group và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc.

Theo đó, tổ hợp các nhà đầu tư bao gồm: Tập đoàn T&T Group, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (Hanwha), Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) và Tổng Công ty khí Hàn Quốc (Kogas). Tổng vốn đầu tư giai đoạn I dự án gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).

Cụ thể, mức góp vốn của T&T Group và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc lần lượt là 40% và 60%.

Trước đó, ngày 4/2, Thủ tướng có ý kiến đồng ý bổ sung giai đoạn I của Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đại diện tỉnh Quảng Trị (giữa) và đại diện đơn vị đầu tư tại lễ trao quyết định

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (giai đoạn I) thuộc địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng; nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Đây là dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, nằm trong mục tiêu đưa tỉnh trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.

Với quy mô hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng – Giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000-26.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG mỗi năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng – Giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW.

Phối cảnh dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Với việc áp dụng công nghệ tua bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao, Trung tâm điện khí Hải Lăng sau khi vận hành có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt đặt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết.

Cùng với việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch, dự án sẽ góp phần giảm thiểu những tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo các tiêu chí về môi trường theo các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết.

Dự án sẽ được tổ hợp nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung mọi nguồn lực, đảm bảo vận hành thương mại vào năm 2026-2027.

Đại diện các nhà đầu tư, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group cho biết, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư chỉ trong 8 tháng, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

“Đây sẽ là dự án mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp vào nguồn năng lượng sạch quốc gia cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc tế, trong đó có điện khí LNG”, Chủ tịch Tập đoàn T&T Group nhấn mạnh.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group phát biểu tại sự kiện trao quyết định hôm 7/10. 

Đại diện T&T Group cũng đánh giá cao môi trường đầu tư hấp dẫn, cơ chế thông thoáng của Quảng Trị đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năng lượng là một trong bảy lĩnh vực hoạt động kinh doanh trọng điểm của T&T Group. Bên cạnh việc sử dụng những nguồn lực sẵn có, tập đoàn này đã bắt tay hợp tác với nhiều tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới để phát triển các dự án trong nước, nhằm đảm bảo nguồn an ninh năng lực quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Mới đây, ngày 9/9, doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với Ørsted – tập đoàn năng lượng bền vững của Đan Mạch, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10 GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD.

Ngày 21/9, T&T Group tiếp tục ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn UPC Renewables (Mỹ) về việc hợp tác đầu tư các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đăk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.

Theo kế hoạch, trong 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000-11.000 MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam.

Trong khi đó, Hanwha Energy là công ty năng lượng trực thuộc Tập đoàn Hanwha. Tập đoàn này là một trong 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc và nằm trong Top 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới. Kospo được thành lập tháng 2/2001, sau khi tách ra từ Công ty Điện lực Hàn Quốc (Kepco), là một trong những công ty hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực nhiệt điện, điện gió. Tập đoàn Kogas cũng nằm trong số các nhà nhập khẩu LNG độc lập lớn nhất thế giới.

Nguồn: vnexpress.net

Rate this post
Exit mobile version