Đến ngày 22/10, 28 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD), kịp hưởng giá FIT ưu đãi trước giờ G.
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy 28 dự án này đã được công nhận COD. Tổng công suất số các dự án điện gió đã được công nhận vận hành thương mại (COD) là 1.247,4 MW.
Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Riêng từ 1-22/10 đã có thêm 23 nhà máy với công suất 893,6 MW hoàn thành xong các khâu thử nghiệm, công nhận COD. So với tháng 8 và 9, số lượng dự án điện gió kịp các thủ tục vận hành thử nghiệm và công nhận COD đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, so với con số 106 dự án gửi hồ sơ đăng ký đóng điện, hoà lưới, thử nghiệm và đề nghị công nhận COD với tổng công suất 5.655,5 MW, số thực hiện được đến 22/10 mới đạt hơn 22%.
Khá nhiều chủ đầu tư dự án điện gió đang “đứng ngồi không yên”, trong giai đoạn nước rút để kịp được công nhận COD, vận hành thương mại trước 31/10 tới. Do các yếu tố khách quan, chủ quan, các chuyên gia dự báo khó để tất cả 106 dự án kịp vận hành COD trước ngày 31/10, để hưởng giá FIT ưu đãi.
Trường hợp các dự án không kịp vận hành trước 1/11, thời điểm hết hiệu lực giá cố định (FIT) ưu đãi cho điện gió, sẽ không được hưởng giá FIT trong 20 năm. Thay vào đó, số dự án vào sau ngày 1/11 sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá, và Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế này.