Site icon Khang Duc Investment & Construction JSC

Cả ngàn MW điện gió chạy đua hòa lưới, chỉ 8% kịp hưởng ưu đãi giá 20 năm?

Nhiều dự án điện gió gấp rút chạy đua để hòa lưới, vận hành thương mại nhưng đến nay chỉ một số lượng nhỏ được công nhận vận hành thương mại.

Mới có tỉ lệ nhỏ trong tổng số 106 dự án đăng ký COD được công nhận vận hành thương mại

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.

Tuy nhiên, cập nhật từ ngày 1-10 đến ngày 15-10, mới chỉ có thêm một số nhà máy điện gió với mức công suất cụ thể đã được công nhận COD, bao gồm dự án điện gió Phương Mai 1, Hướng Tân, Tân Linh, Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2. 

Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký thử nghiệm COD, đến 15-10 đã có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 443 MW (tương đương gần 8%) được công nhận COD. 

Trước đó, đến đầu tháng 8, cùng với 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký COD, đã có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại.

Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1-11-2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Trả lời báo chí mới đây, ông Hoàng Tiến Dũng – cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) – cho hay, địa phương kiến nghị được kéo dài thời gian gia hạn giá FIT do việc triển khai gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Tuy vậy, Bộ Công thương khẳng định không xem xét gia hạn hay kiến nghị Chính phủ gia hạn giá FIT, mà sẽ báo cáo Chính phủ về giá điện gió theo hướng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, xác định giá theo nguyên tắc thương thảo nhà đầu tư và bên mua điện.

Với dự án đang xây dựng, có xem xét đến các tác động khiến dự án dở dang, không kịp đưa vào vận hành, sẽ kiến nghị cơ chế giải quyết. Cụ thể, trên cơ sở chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy, các yếu tố kinh tế kỹ thuật, chủ đầu tư sẽ thương thảo với bên mua điện để có giá mua điện.

Nguồn: tuoitre.vn

Rate this post
Exit mobile version