Site icon Khang Duc Investment & Construction JSC

Chính sách với ngành điện gió: Trông người lại ngẫm đến ta

Ngành điện gió thế giới bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19, Chính phủ các nước đã và đang có các giải pháp để hỗ trợ vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, các dự án điện gió tại Việt Nam lại rơi vào ngõ cụt.

Linh hoạt chính sách

Chuỗi cung ứng của ngành điện gió Vương quốc Anh đã gặp phải những thách thức rất lớn từ các biện pháp phong tỏa do đại dịch Covid-19. Một “đại gia” ngành điện gió là Siemens Gamesa phải tạm thời dừng các hoạt động sản xuất tuabin. Để giải quyết khó khăn trên, ngày 30/3/2020, Chính phủ Anh đã ban hành Chỉ thị về cơ chế giá FIT sửa đổi, qua đó cho phép những dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ với công suất dưới 5MW có thêm 6 tháng để nộp đơn xin hưởng cơ chế giá FIT.

Đến tháng 9/2020, Chỉ thị số 2 về cơ chế giá FIT sửa đổi được ban hành. Theo đó, Chính phủ Anh kéo dài từ 6 tháng thành 12 tháng đối với tất cả các dự án đang lắp đặt có thời hạn COD ban đầu từ 1/3 tới 30/9/2020. Những dự án điện gió đang lắp đặt có quy mô lớn sẽ được gia hạn thêm 24 tháng để hoàn thành, trong trường hợp hạn chót của các dự án này rơi vào ngày 31/3/2021 hoặc trước đó.

Tại Đức, giữa tháng 5/2020, Chính phủ Đức đã ban hành các biện pháp pháp lý nhằm hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo. Ngày 15/5/2020, Quốc hội Đức đã thông qua Đạo luật Bảo vệ Quy hoạch, theo đó các dự án NLTT có hạn COD trước hoặc vào ngày 30/6/2020 được hưởng ân hạn thêm 6 tháng.

Bên cạnh việc giãn hạn, đạo luật trên còn quy định các thủ tục về quy hoạch và cấp phép, cũng như các thủ tục trong vấn đề ra quyết định có liên quan đến khu vực công, sẽ được triển khai trực tuyến.

Tại Mỹ, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh ưu đãi thuế để tháo gỡ những vướng mắc của ngành điện gió và làm giảm tác động tới với sự phát triển kinh tế của địa phương. Đầu tháng 5/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn kéo dài thời hạn hưởng tín dụng thuế cho các dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời. Những dự án điện gió trên bờ khởi công năm 2016 và 2017 sẽ có 5 năm, thay vì 4 năm như trước, để hoàn thành dự án và nhận ưu đãi từ chính sách tín dụng thuế sản xuất (PTC).  

Trong khi đó, tại Ấn Độ, Bộ Năng lượng mới và tái tạo (MNRE) đã đưa ra Chỉ thị áp dụng giãn hạn COD đối với tất cả các dự án NLTT. Theo đó, các dự án có thời hạn mới bằng thời gian phong tỏa cộng thêm 30 ngày để hoàn thành dự án. Đến giữa tháng 8/2020, MNRE tiếp tục ban hành một chỉ thị khác, quy định rằng tất cả các dự án đang trong giai đoạn thi công tính tại thời điểm phong tỏa, tức ngày 25/3/2020, sẽ được hưởng thêm 5 tháng để hoàn thiện và đi vào vận hành thương mại.

Theo các chuyên gia của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu, những điều chỉnh kịp thời từ phía Chính phủ các nước đối với thời hạn nộp hồ sơ hưởng cơ chế giá FIT không chỉ làm giảm áp lực về tiến độ dự án của ngành điện gió trong bối cảnh dịch bệnh, mà còn mang đến sự chắc chắn cho quá trình lên kế hoạch và ra quyết định của doanh nghiệp.

Trông người lại ngẫm đến ta

Các nhà đầu tư điện gió Việt Nam đang cần nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Theo cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ 1-15/10/2021, chỉ có thêm 5 nhà máy điện gió với tổng công suất 170MW được công nhận vận hành thương mại (COD).

Như vậy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 5.655 MW đăng ký thử nghiệm COD thì đến 15/10, mới có 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 443 MW được công nhận vận hành thương mại COD.

Đây là con số rất thấp so với số dự án đăng ký, trong khi đó chỉ còn hơn 10 ngày nữa là sẽ hết hạn giá ưu đãi cho điện gió theo thời hạn (trước 1/11/2021) theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ. Covid-19 đã làm tê liệt nhiều khâu trong quá trình triển khai các dự án điện gió trên toàn Việt Nam, nơi thì vướng khâu nhập khẩu thiết bị, nơi thì vướng khâu vận chuyển, nơi thì thiếu chuyên gia do không thể nhập cảnh…

Các nhà đầu tư điện gió đã không ngồi yên mà tìm cách tự cứu mình. Họ chủ động đề xuất với Chính phủ và Bộ Công Thương về hướng xử lý khó khăn trước mắt, tập trung vào việc xin lùi thời hạn áp dụng giá FIT từ 3 tháng đến 1 năm. Lần lượt các tỉnh thành, nơi có các dự án điện gió đang triển khai, cũng gửi công văn lên Chính phủ và Bộ Công Thương với nội dung tương tự.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được văn bản của nhiều địa phương, tổ chức và doanh nghiệp kiến nghị lùi thời hạn áp dụng giá mua bán điện gió. Tổng hợp lại, các địa phương và tổ chức tập trung kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng giá mua bán điện gió tại Quyết định 39, với thời hạn đề xuất từ 2 tháng đến 2 năm cho đối tượng là các dự án điện gió đang thi công, bị chậm trễ tiến độ sau thời hạn 31/10/2021 do dịch bệnh Covid-19.

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, cho rằng, việc kiến nghị xem xét lùi thời hạn áp dụng giá FIT điện gió thêm một thời gian là rất cần thiết.

“Nếu không được lùi thời hạn, sẽ có rất nhiều dự án gặp khó khăn. Trước hết là vấn đề vốn, bởi suất đầu tư dự án điện gió khá cao, các dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính cũng như giá bán điện sau khi hết hạn giá FIT. Trong khi đó, phương án giá điện gió cho những dự án không kịp tiến độ đó vẫn chưa có”, TS Mai Duy Thiện chia sẻ.

Cộng đồng DN vẫn đang mong chờ Chính phủ sẽ có quyết sách phù hợp về vấn đề này để giúp họ vượt qua đại dịch, nhưng chỉ hơn một tuần nữa sẽ hết hạn áp dụng giá FIT. Mặt khác, trong bối cảnh năng lực sản xuất điện của Việt Nam đang được EVN đánh giá là thừa thì mong mỏi của các DN sẽ nhận được quan tâm ở mức độ nào từ phía các cơ quan có thẩm quyền?

Nguồn: Vietnamnet.vn

Rate this post
Exit mobile version