Để “nhường chỗ” cho điện mặt trời, điện gió, EVN dự báo giảm huy động 8 tỷ kWh từ điện than trong năm 2021.
Thông tin này được ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chia sẻ tại cuộc gặp với các chuyên gia về tình hình cung ứng điện, chiều 4/5.
Theo kế hoạch được Bộ Công Thương phê duyệt, sản lượng điện huy động, sản xuất toàn hệ thống năm 2021 khoảng 260 tỷ kWh, trong đó EVN huy động gần 126 tỷ kWh từ nhiệt điện than. Nhưng thực tế vừa qua, theo lãnh đạo A0, nguồn điện than chỉ được huy động 70-80% năng lực phát của các nhà máy. Căn cứ số liệu đến cuối tháng 4, lượng điện huy động từ các nhà máy nhiệt điện than năm 2021 sẽ giảm khoảng 8 tỷ kWh, tương đương 6%.
Không riêng điện than, thuỷ điện cũng được cơ quan điều độ cắt giảm mạnh để nhường chỗ cho huy động điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Khoảng 8.000 MW của các nhà máy thuỷ điện tại miền Trung, miền Nam được cơ quan điều độ ngừng hoàn toàn phát lên lưới vào cao điểm buổi trưa (11-12h trưa).
Giám đốc A0 cho rằng, điều độ như vậy “là trái với quy trình liên hồ chứa của liên Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên môi trường”, nhưng đơn vị này vẫn phải làm vì chủ trương ưu tiên huy động tối đa nguồn từ điện gió, điện mặt trời.
Chưa kể việc bật, tắt liên tục các tổ máy phát điện tại các nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện cũng gây tốn kém và tăng nguy cơ sự cố khi khởi động lại chạy máy. Thống kê của cơ quan điều độ, số lần khởi động tổ máy nhiệt điện do thừa nguồn năm 2019 là 74 lần, tăng lên 192 lần vào năm 2020 và riêng 4 tháng đầu năm, số lần “tắt, bật” tăng gấp rưỡi, lên 334 lần.
“Số lần khởi động, thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí tăng, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy tại một số nhà máy như Phú Mỹ 2…”, ông Ninh cho biết.
Theo kế hoạch, năm nay EVN sẽ huy động khoảng 32 tỷ kWh từ nguồn điện mặt trời, điện gió, gấp hơn 2 lần so với 2020. Đến cuối tháng 4, có khoảng 9.200 MW điện mặt trời trang trại, 9.583 MW điện mặt trời áp mái và 612 MW điện gió vận hành. Dự kiến số lượng dự án điện gió đưa vào vận hành sẽ tăng nhanh từ nay đến cuối năm, với công suất khoảng 4.500-5.400 MW.
Lượng lớn nguồn điện tái tạo được đưa vào vận hành, theo EVN, là áp lực rất lớn cho công tác điều độ hệ thống điện, cũng như vận hành lưới truyền tải. Trong đó, có vấn đề gây quá tải liên vùng – nội vùng; phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm lớn khi thời điểm chiều tối không có mặt trời thì lại gây khó khăn trong đáp ứng phụ tải… Ngoài ra, lưới điện đầu tư bổ sung quy hoạch chưa đồng bộ với phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nhu cầu phụ tải lại giảm thấp do Covid-19.
Về điểm này, ông Nguyễn Đức Cường – thành viên HĐQT EVN nói thêm, công suất phát tối ưu của điện mặt trời vào cao điểm giờ buổi trưa, còn tối thì không thể huy động được, điện gió cũng phập phù… nên trong vận hành hệ thống phải tính toán nguồn dự phòng “trám” vào chỗ thiếu hụt này.
Do đó, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhưng vẫn phải giữ một số nguồn điện để đảm bảo vận hành hệ thống. “Điện than, với sự tiến bộ về công nghệ cũng xử lý được nhiều vấn đề, hạn chế ô nhiễm. Nhiệt điện vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng“, ông Cường nhấn mạnh.
Ước tính của A0, tổng công suất điện gió, điện mặt trời năm nay sẽ khoảng 20.000 MW, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng công suất nguồn điện, nhưng sản lượng đóng góp không lớn, khoảng 12% và sẽ tăng lên hơn 17% trong 5 năm tới. Vì thế, để đảm bảo cung ứng điện, vẫn phải dựa trên nguồn điện truyền thống (than, thuỷ điện, khí…) với tỷ lệ khoảng 40-80%.
EVN cho biết, thời gian tới sẽ phải cắt nhiều hơn công suất năng lượng tái tạo, khoảng 15-20%. Trong đó, điện mặt trời sẽ cắt giảm 13,3% về sản lượng, điện gió cắt giảm 4,8%.
“Cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo bản thân EVN cũng xót, không mong muốn vì đây là tiền của các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đức Ninh chia sẻ.
Góp ý kiến, ông Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân gây khó khăn hệ thống vận hành điện hiện nay xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Long, sự bùng nổ của năng lượng tái tạo vừa qua cũng do yếu tố quy hoạch. “Một quy hoạch tốt thì không thể có sự bùng nổ như vậy được. Sự phát triển ồ ạt điện mặt trời vừa qua là biểu hiện sự thiếu kiểm soát“, ông nhận xét.
Ông Trần Đình Long cho hay, giai đoạn trước hô hào đầu tư năng lượng tái tạo nhưng thời gian dài không mấy nhà đầu tư mặn mà. Sau này khi cơ quan quản lý đưa ra mức giá ưu đãi 9,35 cent một kWh, thì nhà đầu tư đổ xô vào dẫn tới quá tải, gây khó khăn cho vận hành hệ thống điện.
“Khi phê duyệt các dự án điện mặt trời, vì sao không tham khảo ý kiến bên vận hành? Sao không hỏi xem xây bao nhiêu dự án điện mặt trời ở nơi này nơi kia có gây khó khăn gì cho hệ thống vận hành, lưới điện…”, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Cường – thành viên HĐQT EVN nhìn nhận, việc nhà đầu tư đổ xô vào điện mặt trời dù được cảnh báo trước việc cắt giảm công suất do phần lớn họ được hưởng cơ chế giá FIT ưu đãi 9,35 cent một kWh trong 20 năm. “Dòng tiền có thể giảm 2-3 năm vì bị ảnh hưởng cắt giảm công suất, nhưng về lâu dài nhà đầu tư thấy đây là khoản đầu tư có lời, nên vẫn rót vốn“, ông nói.
Theo: Vnexpress.net