Site icon Khang Duc Investment & Construction JSC

PV GAS chuẩn bị cho nhập khẩu và kinh doanh LNG tại Việt Nam

PV GAS LNG tập trung chuẩn bị thu xếp nguồn LNG cho giai đoạn chạy thử kho LNG Thị Vải dự kiến trong quý 4/2022, cũng như cho giai đoạn thương mại 2023-2027.

Vận hành hệ thống phân phối khí tại Công ty Khí Cà Mau (thuộc PV GAS)

Nhập khẩu và phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là một trong những giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia, được Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tiên phong thực hiện với mục tiêu bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2022. 

Chi nhánh Kinh doanh LNG là một mắt xích quan trọng trong hoạt động này tại PV GAS với những nỗ lực chuẩn bị cho nhập khẩu và kinh doanh hiệu quả nguồn năng lượng này tại Việt Nam.

Đối mặt nhiều khó khăn, thách thức

PV GAS cho biết từ cuối năm 2019, doanh nghiệp này đã thành lập Chi nhánh Kinh doanh LNG (PV GAS LNG) với chức năng phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí khô, LNG, condensate; xuất nhập khẩu LNG, condensate; kinh doanh dịch vụ vận chuyển các sản phẩm khí; thu gom, vận chuyển, tàng trữ khí và sản phẩm khí… nhằm tập trung xây dựng năng lực và phát triển thị trường LNG.

Đây là một lĩnh vực mới tại Việt Nam nên có nhiều thách thức về cả thị trường cũng như cơ chế chính sách liên quan. Qua hai năm hoạt động trong bối cảnh liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn nhưng PV GAS LNG vẫn tích cực triển khai nhiều phần việc chuẩn bị cho nhập khẩu và kinh doanh LNG.

Khó khăn lớn nhất và kéo dài chính là đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực khí. Giá LNG bất thường và liên tục thiết lập các mốc giá kỷ lục trong lịch sử ngành công nghiệp LNG. Mọi hoạt động đều có khả năng biến động với cường độ cao, tốc độ nhanh và chiều hướng khó dự đoán.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bắt đầu khôi phục sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới đang lan rộng tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục, đặc biệt vào giai đoạn cuối năm 2021 tác động lớn đến giá dầu mỏ và khí đốt.

PV GAS nhận định thị trường LNG diễn biến bất lợi cho người mua khi nguồn cung giai đoạn 2021-2025 được đánh giá là bị thắt chặt, trong khi nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao và tăng trưởng mạnh sau đại dịch. Điều này dẫn tới xu hướng tăng giá mạnh mẽ trong các năm tới và chưa có dấu hiệu xuất hiện yếu tố làm suy yếu khuynh hướng này trong ngắn hạn.

Dịch bệnh và sự phát triển nóng, mất cân đối của các loại hình năng lượng tái tạo trong nước cũng góp phần làm thay đổi bức tranh tổng thể về nhu cầu và cơ cấu năng lượng trong nước.

Nhu cầu khí LNG cho công nghiệp và phát điện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định gây khó khăn cho dự báo thị trường trong ngắn và trung hạn. Nhóm vấn đề về cơ chế, chính sách, thị trường tiếp tục là thách thức lớn cho việc phát triển LNG tại Việt Nam do đây là lĩnh vực mới, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện.

Nỗ lực vượt rào cản

Xác định được tầm quan trọng của kinh doanh LNG, PV GAS LNG đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, rào cản, chủ động chuẩn bị nhiều phần việc để đảm bảo nhập khẩu LNG phù hợp với tiến độ hạ tầng kho LNG Thị Vải.

PV GAS LNG tập trung chuẩn bị thu xếp nguồn LNG cho giai đoạn chạy thử kho LNG Thị Vải dự kiến trong quý 4/2022, cũng như cho giai đoạn thương mại 2023-2027 và nguồn cung cấp cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3,4.

Đối với các hợp đồng mua LNG theo chuyến, trong năm 2021 PV GAS LNG đã ký kết 8 MSPAs (Master Sale & Purchase Agreement – hợp đồng mua bán 3 bên) với các nhà cung cấp từ châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời tiếp tục đàm phán, thống nhất và ký kết các MSPAs với các nhà cung cấp LNG khác trên thế giới.

Sự đa dạng hóa các nhà cung cấp mang đến lợi thế cho PV GAS bởi có nhiều sự lựa chọn về nguồn cung với giá cả và chất lượng cạnh tranh tại từng thời điểm của thị trường.

Kho chứa 1 triệu tấn LNG tại Thị Vải.

Chủ động triển khai kinh doanh và thị trường tiêu thụ, PV GAS LNG phối hợp với Tổng công ty PV GAS và đơn vị thành viên là Công ty Cổ phần Phân phối Khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam (KTA) cùng Công ty cổ phần CNG Việt Nam nghiên cứu thị trường, đề xuất chiến lược kinh doanh LNG, khí tái hóa để mở rộng thị trường, khách hàng, đa dạng phương thức tiêu thụ.

Ngoài ra, PV GAS LNG đã triển khai xây dựng chiến lược kinh doanh LNG cho giai đoạn 2022-2025; cùng đơn vị tư vấn, hoàn thành báo cáo thị trường tiêu thụ khí của Dự án mở rộng Kho LNG Thị Vải lên 3 MMTPA (triệu tấn/năm); xây dựng cơ chế, công thức giá mua-bán LNG/khí tái hóa; quy tắc phối hợp với các đơn vị trong chuỗi LNG 1 MMTPA Thị Vải.

Bên cạnh đó, PV GAS LNG bám sát và phối hợp cùng với Tổng công ty PV GAS và cơ quan có thẩm quyền để xây dựng các cơ chế, chính sách cho LNG; nghiên cứu nghị định kinh doanh khí, làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương để chuẩn bị các thủ tục nhập khẩu LNG vào thị trường Việt Nam và pháp lý cho kinh doanh.

Bước vào năm hoạt động thứ 3, ngay từ đầu năm 2022, các phần việc đã được PV GAS LNG triển khai nhịp nhàng, bám sát tiến độ. Điểm nhấn trọng tâm của năm sẽ là thu xếp nguồn LNG phục vụ chạy thử Kho LNG Thị Vải 1 triệu tấn; xây dựng phương án tổ chức kinh doanh hiệu quả để cấp cho khách hàng công nghiệp giai đoạn 2023-2027 phù hợp với tình hình thị trường LNG quốc tế và nhu cầu thị trường trong nước.

Cùng với đó, PV GAS LNG sẽ hoàn thành việc chuẩn bị, sẵn sàng triển khai lựa chọn nhà cung cấp, thu xếp nguồn LNG phục vụ cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 phù hợp với lộ trình đàm phán các Thỏa thuận thương mại liên quan (GSA, PPA) cũng như tiến độ nhận khí; tiếp tục tìm kiếm khách hàng tiêu thụ khí/LNG để mở rộng thị trường tiêu thụ LNG và gia tăng hiệu quả khai thác chuỗi dự án LNG của Tổng công ty PV GAS.

Nguồn: Vietnamplus.vn

Rate this post
Exit mobile version