Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tính rằng năng lượng tái tạo sẽ tạo ra 5 triệu việc làm cho khu vực Đông Nam Á trong khi việc loại bỏ than đá chỉ làm mất nửa triệu, tính đến 2050.
Báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đánh giá sự tác động của xu hướng giảm sử dụng than đa với vấn đề việc làm ở ba nước Indonesia, Philippines, Việt Nam.
Theo đó, ILO lưu ý các nước này khi giảm sự lệ thuộc năng lượng vào than đá sẽ dẫn tới một bộ phận người dân thất nghiệp, mất thu nhập. Bởi vậy, quá trình thân thiện với môi trường này phải chú ý “chuyển dịch công bằng”, tức tạo việc làm và sinh kế khác cho người dân trong diện bị ảnh hưởng.
ILO đánh giá Indonesia, Philippines, Việt Nam là 3/5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất Đông Nam Á, và cả 3 đều dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Trong ba nước thì Indonesia, Việt Nam có công nghiệp khai thác và xuất khẩu than, còn Philippines thì phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Cả ba quốc gia đều dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Tính cả khu vực, mức tiêu thụ than đá đã tăng 150% trong 20 năm qua, với tỷ trọng điện than từ 27% vào năm 2010 lên 43%, năm 2019.
Theo tính toán của ILO, Đông Nam Á có khả năng mất chưa đến nửa triệu việc làm trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, tính đến năm 2050, so với 5 triệu việc làm mới từ quá trình phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, việc đóng cửa các khu mỏ vẫn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cả trực tiếp, gián tiếp đến thị trường lao động, nền kinh tế và sinh kế của cộng đồng địa phương.
Chuyên gia cao cấp của ILO về môi trường và việc làm thỏa đáng – Cristina Martinez khuyến nghị: “Để giảm thiểu những tác động kinh tế – xã hội tiêu cực của việc loại bỏ sử dụng than đá, các chính phủ cần triển khai các chính sách chuyển dịch công bằng đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng”.
Bà Cristina Martinez cho rằng cần duy trì việc làm ở những vùng tập trung sản xuất than đá. Điều này cần sự hỗ trợ quốc gia có mục tiêu cho các khu vực bị ảnh hưởng. Các chính sách được điều chỉnh ở cấp khu vực và địa phương sẽ đóng vai trò thiết yếu đối với quá trình chuyển dịch lấy con người làm trung tâm.
Theo: Báo Pháp Luật