Doanh nghiệp điện gặp khó vì không được hoàn thuế

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Doanh nghiệp điện gặp khó vì không được hoàn thuế

Bỏ hàng tỷ USD đầu tư dự án nhưng không được hoàn thuế VAT khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo, thuỷ, nhiệt điện gặp khó.

Ông Hải – chủ đầu tư một dự án điện gió tại Đăk Lăk cho biết, công ty đang lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào cho dự án, nhưng từ cuối năm ngoái đến nay liên tục bị trả hồ sơ. Nguyên do là ngành thuế có văn bản yêu cầu hồ sơ xin hoàn thuế phải có giấy phép hoạt động điện lực, tức là dự án đang trong thời gian đầu tư sẽ không được hoàn thuế VAT.

Ông ước tính, dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, doanh nghiệp ông sẽ được hoàn lại khoản thuế VAT gần 1.500 tỷ. “Đây là khoản tiền lớn với doanh nghiệp trong lúc này. Đáng lẽ có tiền để làm tiếp dự án thì doanh nghiệp lại phải đi vay với lãi suất cao”, ông nói.

Dự án điện gió của ông Hải không phải trường hợp duy nhất gặp phải vướng mắc trong quá trình làm hồ sơ hoàn thuế VAT. Nhiều doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo, thuỷ điện, nhiệt điện khác cũng đang lâm vào cảnh tương tự.

Trong văn bản gửi Chính phủ, các bộ, ngành mới đây, ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam cho biết, công ty ông đang đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quy mô lên tới 2 tỷ USD, ước tính khoản thuế được hoàn hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục thuế tỉnh Ninh Thuận, Đăk Lăk, Trà Vinh phản hồi với doanh nghiệp, dự án nằm trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì không được hoàn thuế.

Trong khi để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, dự án phải hoàn thành, vận hành chính thức. Bất cập ở chỗ, nếu dự án đầu tư đã hoạt động rồi, lại thuộc diện không được hoàn thuế VAT theo Nghị định 100/2016.

“Đây là điểm bất cập khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi vốn đầu tư rót vào các dự án lớn, mà không được hoàn thuế”, ông Thịnh cho biết.

Bình luận về thực tế này, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói, các quy định về hoàn thuế VAT để hỗ trợ dự án trong giai đoạn đầu tư được ban hành mà không áp dụng cho dự án ngành điện, cho thấy sự không thống nhất, bất hợp lý.

Theo ông, dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng là loại dự án có vốn đầu tư rất lớn, triển khai thời gian dài. Nếu không được hoàn thuế VAT trong giai đoạn đầu tư sẽ khiến doanh nghiệp vô cùng chật vật trong việc huy động vốn để làm.

“Covid-19 kéo dài đang gây ra khó khăn chồng chất cho các doanh nghiệp. Chính sách đưa ra cần khuyến khích, chứ không nên tạo ra lực cản”, ông nhận xét.

Ở góc độ chủ đầu tư, ông Nguyễn Tâm Thịnh kiến nghị, thay vì cần giấy phép điện lực mới được hoàn thuế, các cấp có thẩm quyền nên cho phép các dự án năng lượng được hoàn thuế giá trị gia tăng khi đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), và dùng nguồn này tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án”, ông nói.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, sửa đổi quy định pháp luật, cho phép dự án ngành điện được hoàn thuế trong giai đoạn đầu tư, khi chưa có giấy phép hoạt động điện lực. “Điều này nhằm tạo điều kiện về vốn cho dự án đúng tinh thần ‘tạo điều kiện sản xuất kinh doanh’ của Chính phủ”, ông Ngãi nói.

Liên quan tới quy định về giấy phép hoạt động điện lực, Bộ Công Thương cho hay, Luật Điện lực cũng như lĩnh vực điện lực không có quy định về giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Thay vào đó, Luật Điện lực chỉ quy định về giấy phép hoạt động điện lực và nó được Bộ Công Thương cấp sau khi các dự án hoàn thành xây dựng, lắp đặt tổ máy và doanh nghiệp trình nộp hồ sơ theo quy định.

“Giấy phép hoạt động điện lực không phải giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Bộ Công Thương khẳng định.

Riêng với dự án Vân Phong 1, Nghi Sơn 2 cũng đang gặp vướng mắc về hoàn thuế VAT trong thời gian xây dựng. Bộ Công Thương cho rằng, bộ hợp đồng BOT của hai dự án này được Chính phủ cam kết, bảo lãnh, nên việc dừng hoàn thuế VAT sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, tiến độ vận hành thương mại và có thể dẫn tới các thủ tục pháp lý, trách nhiệm của Chính phủ trong bảo đảm cho dự án. Cơ quan này kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế VAT trong thời gian xây dựng cho hai dự án nêu trên.

Trong khi đó phía ngành thuế cho biết, đang rà soát hồ sơ hoàn thuế và ngồi lại cùng doanh nghiệp, tiếp thu những vướng mắc trong chính sách hoàn thuế VAT. Sau rà soát, cơ quan này sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Vnexpress.net

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục