Tiền sử dụng biển đối với điện gió ở Việt Nam được quy định thế nào?

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Tiền sử dụng biển đối với điện gió ở Việt Nam được quy định thế nào?

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa có văn bản gửi Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) về “tiền sử dụng biển đối với dự án điện gió”. Trong đó cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển nói chung và miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển sử dụng để xây dựng các công trình của dự án khai thác năng lượng gió trên biển.

Văn bản của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Theo quy định hiện nay, diện tích khu vực biển được xác định trong quyết định phê duyệt quy hoạch của Bộ Công Thương, hoặc cấp có thẩm quyền, trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc quyết định phê duyệt chủ đầu tư (Giấy phép) của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư. Trong các văn bản trên đã ghi diện tích sử dụng của dự án khai thác năng lượng gió trên biển. Trên cơ sở diện tích khu vực biển đã ghi trên Giấy phép, tổ chức, cá nhân mới lập Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển gửi UBND cấp tỉnh, hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị giao khu vực biển.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã sử dụng diện tích “nghiên cứu, khảo sát” được ghi trong Giấy phép để lập Hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thực hiện các dự án khai thác năng lượng gió (có dự án đề nghị giao toàn bộ diện tích nghiên cứu, khảo sát với hàng nghìn ha biển; có dự án chỉ đề nghị giao diện tích để lắp dựng trụ tua bin, cầu công tác và hành lang an toàn các công trình).

Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước, hoặc cấp có thẩm quyền quyết định giao toàn bộ diện tích khu vực biển với diện tích “nghiên cứu, khảo sát” ghi trong Giấy phép và quy định tại khoản 1 Điều 4 và Điều 6 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vục biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển là chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của các nhà máy điện gió, gây lãng phí trong việc sử dụng diện tích khu vực biển và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của các dự án, đúng như ý kiến của VEA.

Diện tích được ghi trong quyết định phê duyệt quy hoạch mới là diện tích “nghiên cứu, khảo sát” và chưa phải là diện tích tối ưu đặt các trụ tua bin điện gió, chưa phải là diện tích cụ thể cần sử dụng cho mỗi dự án điện gió.

Theo ý kiến của Bộ Công Thương, hiện nay chưa có quy định cụ thể về sử dụng mặt biển có thời hạn của các dự án điện gió sử dụng mặt biển, về lâu dài, để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên biển, cần phải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật cho các công trình trên biển. Trong đó, cần có quy định cụ thể để xác định diện tích sử dụng và hành lang an toàn đối với các công trình xây dựng nói chung và trụ tua bin điện gió, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo.

Ngày 13/8/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 4309/BTNMT-TCBHĐVN về việc thống nhất tọa độ, ranh giới, diện tích khu vực biển nơi dự kiến khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho các công trình trên biển (Báo cáo số 80/BC- BTNMT ngày 03/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 7023/VPCP-NN ngày 24/8/2020, đề nghị các bộ, ngành có ý kiến về đề nghị nêu trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Để giải quyết những kiến nghị về diện tích khu vực biển giao cho các dự án điện gió khi Bộ Công Thương chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật các công trình điện gió trên biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề nghị VEA tham khảo Quyết định giao khu vực biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với Hồ sơ đề nghị giao khu vục biển của Công ty Cổ phần Năng lượng Bắc Phương tại vùng biển thuộc xã Long Điền Dông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (Giai đoạn 1), tỉnh Bạc Liêu, công suất 50 MW với diện tích 126,65 ha biển, bao gồm diện tích công trình tua bin gió, hệ thống cầu dẫn, hệ thống cáp điện, các hạng mục phụ trợ khác và diện tích hành lang an toàn bảo vệ cho các hạng mục công trình.

Về vấn đề này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: “VEA cần kiến nghị với Bộ Công Thương nhanh chóng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật các công trình điện gió trên biển”.

Hiện nay, các dự án sử dụng khu vực biển để lắp đặt công trình khai thác năng lượng gió trên biển để phát điện, cơ quan quản lý nhà nước, hoặc cấp có thẩm quyền chỉ tiến hành giao khu vực biển (tài nguyên biển) và cấp Quyết định giao khu vực biển theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân sử dụng để lắp dựng các trụ tua bin, cầu công tác và các công trình phụ trợ phục vụ dự án khai thác năng lượng gió (theo quy định của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP).

Theo quy định của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT ngày 7/12/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định phương pháp tính phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển tất các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng khu vực biển. Hiện nay, chưa có quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển nói chung và miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển sử dụng để xây dựng các công trình của dự án khai thác năng lượng gió trên biển.

Trước đó, VEA đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về “tiền sử dụng biển đối với dự án điện gió”, trong đó VEA kiến nghị cần ra quy định mới:

Thứ nhất: Quy định rõ diện tích sử dụng khu vực biển của dự án điện gió trên biển là diện tích của trụ móng tua bin, gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió, các đường cấp ngầm đấu nối (tương tự như dự án điện gió trên đất liền).

Thứ hai: Năng lượng gió trên biển không nên coi là tài nguyên biển, việc khai thác năng lượng gió trên biển không phải là việc lấy, hoặc sử dụng tài nguyên biển, chỉ có diện tích móng trụ tua bin như nêu trên.

Thứ ba: Miễn tiền sử dụng khu vực biển đối với tổng diện tích của móng trụ tua bin gió, bao gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió, các đường cấp ngầm đấu nối điện gió (như đối với các dự án điện gió trên đất liền), có như vậy mới khuyến khích được phát triển điện gió trên biển.

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200 km, lưu vực biển rộng lớn, nếu khai thác được điện gió trên biển sẽ tạo ra một nguồn năng lượng sạch cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ đề ra.

Thứ tư: Việc sửa đổi theo nội dung nói trên sẽ đem lại sự công bằng giữa các dự án điện gió, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng quy định tại Khoản 4, Điều 5 Luật Đầu tư năm 2014.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Theo nangluongvietnam.vn

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục