Câu chuyện chuyển nhượng “quyền thuê đất”

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Câu chuyện chuyển nhượng “quyền thuê đất”

Việt Nam có 2 hãng phim nổi tiếng cả nước một thời, đó là Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng. Và cũng chỉ trong mấy ngày gần đây đã có đến 2 quyết định của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai ở 2 Hãng này.

Vụ thứ nhất liên quan đến vụ đại án “Vũ nhôm”, có một mảnh đất “vàng” 2.337m2 của Hãng phim Giải Phóng, tại địa chỉ 15 Thi Sách (khu đất 2 mặt tiền góc đường Thi Sách – Cao Bá Quát, Q.1, TP.HCM), được mệnh danh là “đất vàng” nhưng lại là của TP, Hãng chỉ là người đi thuê.

Đến năm 2015, tự nhiên Hãng được “lãnh đạo TP” đồng ý cho nhượng lại “quyền thuê đất”, thu về 29,19 tỷ đồng, cứ như nhặt được cục vàng trên dưới 30kg từ trên trời rơi xuống, ai mà chẳng mừng rơi nước mắt.

Và cũng không mấy ai nghĩ đến mảnh đất này lại liên quan đến một vụ án nổi tiếng mà những người liên quan sẽ phải hầu tòa, kể cả vị “lãnh đạo thành phố” nọ.

Rồi đến vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng liên quan đến “đất vàng”, nhưng cuộc chuyển dịch ly kỳ hơn, rối rắm hơn, và theo tôi, tham lam hơn, tàn nhẫn hơn rất nhiều, bởi một tài sản cực lớn mà đã bị “sang tay” với giá cực rẻ.

Nếu ai đã từng đến trụ sở của Hãng tại số 4 Thụy Khuê (Q.Tây Hồ, Hà Nội) thì sẽ thấy vị trí địa lý của nó đắc địa đến mức nào. Cả một diện tích sử dụng gần 5.500m2 nằm bên hồ Tây, một không gian đẹp bậc nhất Hà Nội. Ngoài ra, hãng còn có 905m2 đất trên phố Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình) làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe. Tiếp nữa, Hãng còn quản lý khu đất rộng 6.382m2 tại Đông Anh (Hà Nội); hơn 1.200m2 tại Khu đất số 6, Thái Văn Lung (Bến Nghé, TP.HCM) làm trường quay phim…

Có ai nghĩ được rằng, qua bàn tay “phù phép” cùng với với những con mắt mờ ám, cho rằng tất cả đất này đều là đất thuê, người ta đã không tính “quyền thuê đất” này vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Có nghĩa là toàn bộ quyền thuê đất ở những mảnh đất đắc địa nêu trên đều được định giá là… 0 đồng.

Đấy là chưa kể đến việc định giá toàn bộ thương hiệu và giá trị hàng trăm bộ phim thuộc vào sử sách của phim truyện Việt Nam trong suốt 60 năm hình thành và phát triển cũng với giá… 0 đồng.

Đến giờ thì mọi việc đã được phơi ra ánh sáng. Thật may mắn, qua hồ sơ của những vụ việc này, các nghệ sĩ điện ảnh chân chính chỉ là bên bị hại trong vòng vây một trận đồ quỷ quái của “Đồng tiền ma ám”.

Sau một thời gian dài đấu tranh bền bỉ, các nghệ sĩ của chúng ta đã đòi được công bằng. Kết luận thanh tra đã rõ ràng, tất cả phải soi xét lại từ đầu.

Hy vọng rẳng, những mảnh đất lấp lánh ánh vàng kia sẽ không bao giờ che lấp nổi khát khao hiến dâng cả cuộc đời cho nghệ thuật của các nghệ sĩ điện ảnh nước nhà.

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn: Vnexpress.net

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục