Site icon Khang Duc Investment & Construction JSC

Thanh Hóa: Hội thảo về công tác quản lý Nhà nước về phát triển cát nghiền trong xây dựng

Hội thảo về công tác quản lý Nhà nước về phát triển cát nghiền trong xây dựng

Chiều 23/11, tại Sở Xây dựng Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo giải pháp về công tác quản lý Nhà nước đối với phát triển và sử dụng cát nghiền trong công trình xây dựng.

Hội thảo với sự tham gia của đông đảo các, PGS, TS, KTS, chuyên gia và đại diện các Ban, ngành huyện thị trên bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tại Hội thảo, đại diện Sở Xây dựng Thanh Hóa đã báo cáo tình hình khai thác cát tự nhiên và tình hình đầu tư sản xuất cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì Thanh Hóa là một trong các tỉnh có nguồn khoáng sản cát, sỏi tự nhiên chất lượng tốt; đến nay, còn khoảng trên 100 mỏ cát, sỏi với tổng trữ lượng dự báo chỉ còn khoảng 13 triệu m3. Trong năm qua, tình hình đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày một tăng cao, khoảng 12 -13%/năm; nhu cầu sử dụng cát xây rất lơn; hàng năm tiêu thụ từ 3,0 triệu m3 cát xây dựng trở lên. Như vậy, với trữ lượng cát tự nhiên nếu khai thác đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng thì chỉ trong vòng 5 đến vài năm nữa nguồn cát trên địa bàn tỉnh sẽ bị cạn kiệt. Do vậy việc nghiên cứu, có giải pháp để quản lý, sử dụng cát nhân tạo (cát nghiền) thay thế cát tự nhiên trong thời gian tới là cần thiết.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2 dây chuyền sản xuất cát nghiền công suất 150 tấn/giờ của Cty TNHH Phú Sơn, huyện Nga Sơn và Cty TNHH xây dựng, thương mại Hà Liên, huyện Nông Cống, ngoài ra còn một số dây chuyền sản xuất nhỏ lẻ. Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, giai đoạn 2017- 2020, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển cát nghiền từ đá tại các khu vực có sẵn nguồn nguyên liệu để cung cấp cho thị trường, với tổng công suất dự kiến 1,9 triệu m3/ năm.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng cát nhân tạo hoàn toàn có thể thay thế cát tự nhiên. Cát nhân tạo có ưu điểm nổi trội là ít tạp chất, độ bám dính cao hơn cát tự nhiên, giá thành sản xuất cát nhân tạo có thể cạnh tranh với cát tự nhiên, đã được kiểm chứng về chất lượng tại một số công trình xây dựng lớn. Đặc biệt, cát nhân tạo góp phần giảm thiểu ảnh hưởng môi trường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong đầu tư sản xuất, sử dụng cát nhân tạo như: Mức độ tiêu thụ và sử dụng vào công trình xây dựng còn hạn chế; tình trạng khai thác trộm cát tự nhiên và bán với mức giá thấp vẫn còn diễn ra, do vậy ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ của cát nhân tạo; người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại về chất lượng do chưa được tuyên truyền rộng rãi về kết quả thực nghiệm, chất lượng cát nhân tạo. Để cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên, có chỗ đứng trên thị trường, một số đại biểu cho rằng Nhà nước nên có chính sách khuyến khích đầu tư hoặc ưu đãi thuế cho các đơn vị sản xuất cát nhân tạo.

Trần Cường | Theo baoxaydung

Rate this post
Exit mobile version