85 nghìn tỷ đồng làm dự án điện sạch phơi mưa nắng: Sắp được ‘giải cứu’

theo dõi khang đức trên google news

Home >> 85 nghìn tỷ đồng làm dự án điện sạch phơi mưa nắng: Sắp được ‘giải cứu’

“Nếu trực tiếp chứng kiến cánh đồng điện gió mênh mông, mỗi tuabin gió đầu tư 150 tỷ đồng đứng yên hơn 1 năm qua thì thấy vô cùng xót xa”, đại diện nhà đầu tư điện tái tạo giãi bày.

Ngày 20/3, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức buổi làm việc với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Đây là các dự án “lỡ hẹn” hưởng giá ưu đãi FIT với điện mặt trời và điện gió.

Chậm chân hưởng giá ưu đãi, chờ giá mới

Đại diện cho các nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc T&T Group chia sẻ: Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên nhiều dự án điện tái tạo chậm thời hạn hưởng giá FIT. Sau khi có Thông tư 15 và Quyết định 21, nhiều doanh nghiệp quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp chủ đầu tư.

Gần đây 36 doanh nghiệp có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương để kiến nghị những điểm chưa phù hợp tại các văn bản trên.

“Văn bản này chúng tôi đã nêu chi tiết quan ngại, lo lắng của nhà đầu tư, nhất là về giá điện, chưa phù hợp thực tiễn về mặt pháp lý, tính toán giá điện”, bà Bình nói và nhắc lại việc Quyết định 21 về khung giá phát điện các dự án chuyển tiếp được “ban hành vội vàng”, nhà đầu tư bị ảnh hưởng nhưng không được hỏi ý kiến.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty mua bán điện thuộc EVN cho biết: EVN chỉ có thể đàm phán giá điện với nhà đầu tư khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương theo điều 26 Nghị định 137. Trường hợp chưa thỏa thuận được về giá phát điện, Bộ Công Thương quyết định mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận được mức giá chính thức.

EPTC đã gửi văn bản cho 85 nhà đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu xác định điều kiện nhà máy điện gió mặt trời là nhà máy chuyển tiếp và hồ sơ tài liệu liên quan đến các thông số đầu vào để tính toán phương án giá điện của dự án.

Nhưng đến sáng 20/3, mới nhận được 1 văn bản chính thức của nhà đầu tư điện gió.

Sau khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương về phương pháp đàm phán, quy trình thì EPTC sẽ tiến hành làm việc với các nhà đầu tư. EVN thực hiện đàm phán theo thứ tự các nhà máy điện nộp đầy đủ hồ sơ đàm phán qua trang web ppa.evn.com.vn.

“Các nhà máy công bằng với nhau, đàm phán lần lượt với từng nhà máy hoặc từng nhóm nhà máy”, đại diện EPTC chia sẻ.

Đại diện Công ty Mua bán điện khẳng định các dự án phải đủ hồ sơ mới tiến hành đàm phán, để đảm bảo công khai, minh bạch. Như vậy mới rõ ràng ai nộp hồ sơ trước, ai nộp sau; ai được đàm phán trước, ai được đàm phán sau.

Đề cập phương pháp tính toán giá điện, EPTC cho biết, do Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn phương pháp đàm phán, cho nên EVN dự kiến nguyên tắc xác định giá điện là chủ đầu tư chi trả các khoản chi phí hợp lý toàn bộ đời sống kinh tế dự án, tỷ suất sinh lời của dự án không vượt quá 12%, không vượt quá khung giá Bộ Công Thương ban hành.

“Các thông số đầu vào tính toán được EVN xây dựng trên Thông tư 15 và Thông tư 57 để đáp ứng được tính đặc thù của nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp”, EPTC chia sẻ.

85 nghìn tỷ đồng làm dự án điện sạch phơi mưa nắng: Sắp được 'giải cứu'
Hội nghị được tổ chức sau khi 36 nhà đầu tư gửi đơn kiến nghị tập thể.

Vẫn phải chờ Bộ Công Thương hướng dẫn

Nêu lý do hầu hết chủ đầu tư chưa gửi hồ sơ đàm phán, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc T&T Group cho biết: Nhà đầu tư chưa nộp hồ sơ vì thấy chưa rõ ràng, các chỉ đạo cần rõ ràng để chủ đầu tư thực hiện.

“Chúng tôi đề xuất huy động ngay sản lượng điện của các nhà máy đã hoàn thành đầu tư xây dựng để tránh lãng phí. Hiện có 34 dự án hoàn thành đầu tư, xây dựng gồm 28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời. Nếu trực tiếp chứng kiến cánh đồng điện gió mênh mông, mỗi tuabin 150 tỷ đồng đứng yên hơn 1 năm qua thì thấy vô cùng xót xa. Hiện EVN phải mua từ các nguồn khác cao hơn năng lượng tái tạo. Như vậy, việc huy động ngay sản lượng của các dự án hoàn thành đầu tư xây dựng là nhu cầu bức thiết”, lãnh đạo T&T Group kiến nghị.

“Chúng tôi đề xuất giá điện bằng 90% giá điện nhập khẩu. Đây là giá tạm tính cho các chủ đầu tư. Sau này khi đã đàm phán, có giá điện chính thức thì áp dụng theo nguyên tắc hồi tố hoặc theo quy định của EVN. Nếu thiếu EVN bổ sung thêm, nếu thừa thì chủ đầu tư trả lại”, bà Bình nhấn mạnh.

Có 4 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, đại diện Bamboo Capital cũng kiến nghị Bộ Công Thương, EVN cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu, thì được đóng điện và ghi nhận sản lượng, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội.

Đại diện EVN cho biết hai đề xuất của nhà đầu tư về khung giá điện thấp và cho phép huy động sản lượng điện là nằm ngoài thẩm quyền của EVN

Kết luận cuộc họp, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN bày tỏ chia sẻ với những khó khăn, vất vả các nhà đầu tư đã gặp phải khi bỏ nguồn lực đầu tư điện gió, điện mặt trời nhưng không kịp giá FIT.

EVN đã lường trước sau giá FIT phải có một chính sách tiếp tục cho năng lượng tái tạo. “Hiện nay, chúng ta đã có khung giá Bộ Công Thương ban hành và EVN đã đề ra phương pháp đàm phán. EVN tiếp thu các ý kiến nhà đầu tư, ý kiến giải đáp của các đại diện Bộ Công Thương để hoàn thiện phương pháp đó. Nếu dự án gặp khó khăn về giải tỏa công suất, EVN sẽ có ý kiến trong quá trình đàm phán”, ông Nhân trả lời băn khoăn của các nhà đầu tư.

Theo ông Nhân, khung giá đã có, phương pháp đàm phán đã được đề ra và đang chờ Bộ Công Thương thông qua, trên cơ sở đó đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho Công ty mua bán điện.

“Đến nay mới có 1/85 nhà đầu tư nộp, nên đề nghị chủ đầu tư, EVN, Bộ Công Thương xích lại hợp tác. Trong quá trình làm việc có gì vướng mắc cùng nhau xử lý, vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Công Thương”, ông Trần Đình Nhân bày tỏ.

Bộ đã có nhiều văn bản gửi EVN hướng dẫn đàm phán giá. Sau cuộc họp hôm nay, chúng tôi sẽ về báo cáo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực để báo cáo Bộ Công Thương.

Đại diện Cục Điều tiết điện lực
Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục