Đó là một trong những kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau tại buổi tiếp và làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chiều 7.8, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dẫn đầu đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, giai đoạn 2016 – 2021.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau
Tại buổi làm việc, ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau, thông tin theo các quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đến năm 2025, có xét đến 2035, Cà Mau được phê duyệt quy hoạch 1.000 MW điện gió, 60 MW điện mặt trời, 24 MW điện sinh khối. Tuy nhiên, đến nay, số dự án (DA) điện tái tạo đưa vào sử dụng còn hạn chế (4/16 DA), tổng công suất 150 MW. Trong khi đó, điện mặt trời áp mái chủ yếu phát triển nhỏ lẻ trong dân.
Cũng theo ông Bi, nội dung dự thảo đề án xuất khẩu điện đã hoàn thiện, UBND tỉnh Cà Mau đã trình Bộ Công thương thẩm định, với mục tiêu xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo đến năm 2031 là 2.000 MW, đến năm 2035 là 3.000 MW, đến năm 2040 là 5.000 MW, kết hợp với sản xuất và xuất khẩu các nguồn năng lượng mới.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (áo trắng) khảo sát tại Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau
Tỉnh Cà Mau kiến nghị đoàn giám sát đề nghị cấp thẩm quyền ban hành giá mua điện chính thức cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích phát triển nhà máy điện gió, điện mặt trời, để thu hút thêm nhà đầu tư thực hiện các DA mới theo quy hoạch.
Kiến nghị đoàn giám sát có ý kiến với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành lập mới chi nhánh của tập đoàn tại Cà Mau, hoặc bổ sung trong đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, để kê khai, nộp thuế đối với các hoạt động sản xuất – kinh doanh của tập đoàn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, cho rằng xuất khẩu điện là vấn đề mới, còn vướng các quy định về điện lực và nhiều vấn đề khác. Vì vậy, rất mong Quốc hội quan tâm hỗ trợ cho tỉnh cũng như ngành công thương sớm có những quy định về hành lang pháp lý phù hợp để triển khai thực hiện.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển năng lượng tại Cà Mau. Đồng thời nhấn mạnh, dù Cà Mau không có các mỏ có tiềm năng khai thác than, dầu khí và không có tiềm năng về thủy điện, nhưng được nghiên cứu quy hoạch về hạ tầng cung cấp khí và đánh giá tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo. Với nguồn lợi gió từ vùng biển ngoài khơi rất lớn, Cà Mau còn có lợi thế phát triển các DA điện gió ngoài khơi, xuất khẩu điện gió ra nước ngoài.
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Cà Mau, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh báo cáo giám sát và gửi lại cho đoàn trước ngày 15.8.
Sáng cùng ngày, đoàn giám sát đã có chuyến khảo sát thực tế tại Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy xử lý khí Cà Mau (xã Khánh An, H.U Minh).
Nguồn: Báo Thanh Niên