Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa thắc mắc việc UBND thành phố đã đánh giá tiềm năng phát triển điện gió của thành phố chưa và nếu chưa thì cần đánh giá cụ thể. Bởi theo ông, biển ở huyện đảo Cần Giờ của TPHCM có tiềm năng phát triển loại hình năng lượng sạch này.
Ngày 21/2, Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016 – 2021 đối với các sở, ban ngành và quận, huyện.
Cần hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, Quy hoạch phát triển điện lực thành phố giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035 được xây dựng và ban hành kịp thời làm cơ sở cho ngành điện đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện nhằm luôn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân thành phố.
Cũng theo bà Ngọc, thời gian qua thành phố đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác vừa tạo nguồn năng lượng an toàn cho môi trường.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển điện lực TPHCM, huyện Cần Giờ có tốc độ gió trung bình tương đối cao và cũng là khu vực có tiềm năng gió của thành phố với khả năng lắp đặt đạt đến 55MW đối với điện gió trên bờ. Hiện đang có hai nhà đầu tư đề xuất UBND TPHCM cho phép khảo sát để đề xuất dự án điện gió tại vùng biển ngoài khơi huyện đảo này.
Từ thực tiễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM kiến nghị cần sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường bán buôn, bán lẻ điện; nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo…
Tại buổi giám sát, Phó Phòng Pháp chế, Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Triệu cho biết giai đoạn 2016 – 2021, với định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch tại thành phố đã được UBND thành phố phê duyệt, trong giai đoạn 2022 – 2030, TPHCM phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đến năm 2050, hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp…
Đánh giá tiềm năng điện gió của TPHCM
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: UBND thành phố đã đánh giá rõ ràng về tiềm năng phát triển điện gió của thành phố chưa và nếu chưa thì cần đánh giá cụ thể. Bởi theo ông, biển Cần Giờ của TPHCM có tiềm năng phát triển loại hình năng lượng sạch này.
Thông tin lại, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời trên mái nhà tại TPHCM, có thể đạt công suất tối đa lên đến 6.300 MW. Ngoài ra, về điện gió, trước đây đề án Quy hoạch điện nghiên cứu điện trên bờ của vùng biển Cần Giờ và cho kết quả đạt công suất chỉ vào khoảng 55 MW.
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Phạm Thị Ngọc Diệu cho rằng, thành phố cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng kết nối khu vực; đồng thời thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã triển khai và thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2021.
Trong giai đoạn tới, ông Hà Phước Thắng đề nghị các đơn vị, địa phương quan tâm hơn đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với mục tiêu phát triển của thành phố.
Theo: Báo Điện Tử Tiền Phong