Từ vùng ven biển Long An cho đến Mũi Cà Mau đi đến đâu cũng gặp các trụ tuabin gió mọc lên.
Vùng đất tưởng chừng như sình lầy, nước mặn nay vươn lên trở thành một trong những trung tâm năng lượng gió của cả nước.
Khơi đúng tiềm năng
Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng cho biết tỉnh hiện có 20 dự án điện gió được phê duyệt, với tổng công suất 1.435 MW, trong đó trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có đến 18 dự án. Đến nay, đã có 17 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.295,2 MW và đang triển khai thi công 11 dự án. Hiện có 4 dự án hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại (gồm 26 trụ tua bin gió, tổng công suất 110,8 MW). Dự kiến trong năm 2022, Sóc Trăng sẽ có thêm 6 dự án (tổng công suất 296 MW) đưa vào vận hành thương mại, nâng tổng công suất hòa lưới điện quốc gia lên 436,8 MW. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng ngày 28.4, tỉnh này cũng đã đón tiếp nhiều nhà đầu tư cam kết đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió.
Trước cuối năm 2021, Bạc Liêu chỉ có 1 dự án điện gió đã hoàn thành, nhưng đầu năm 2022 đã có 7 dự án được vận hành thương mại. Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh Bạc Liêu xác định phát triển công nghiệp mà trọng tâm là năng lượng gió là một trong 5 trụ cột.
Trong khi đó, tỉnh Cà Mau đề nghị bổ sung 24 dự án điện gió với tổng công suất 12.018 MW. Trong số này có 6 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 8.500 MW và 18 dự án điện gió gần bờ với tổng công suất là 3.518 MW. Còn tại Trà Vinh, tính đến nay, tỉnh này đã có 5 công trình điện gió hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 322MW, có vốn đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng.
Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre đã có 5 dự án điện gió đã hòa điện. Các dự án bao gồm: Nhà máy điện gió VI-3 Bến Tre (Ba Tri): 30/30 MW; Nhà máy điện gió Bình Đại (Mê Kông): 4,2/30 MW; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre: 25,2/30 MW; Nhà máy điện gió số 5 – Thạnh Hải 1 (Tân Hoàn Cầu): 30/30 MW; riêng Nhà máy điện gió số 5 – Thạnh Hải 2,3,4 (Tân Hoàn Cầu) được bổ sung giai đoạn sau nhưng nhờ tận dụng hạ tầng giai đoạn 1 nên đã kịp COD được 4,25/90 MW.
Ngày 25.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung danh mục 13 dự án điện gió tỉnh Bến Tre vào quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất 828 MW. Hiện Bến Tre đang trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII 26 dự án, với tổng công suất 6.418,6 MW.
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Bé Sáu, việc triển khai các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Dự kiến đến năm 2022, sẽ có ít nhất 5 dự án điện gió đi vào hoạt động, với công suất 150 MW, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.
Tỉnh Tiền Giang cũng đã có Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 có công suất thiết kế 50MW, cung cấp khoảng 153,4 triệu kWh/năm. Địa điểm xây dựng các trụ tuabin gió tại khu vực biển thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Diện tích đất sử dụng khoảng 10,25ha. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.242 tỉ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.
Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 có công suất thiết kế 100MW, cung cấp khoảng 307 triệu kWh/năm; xây dựng các trụ turbin gió tại khu vực ven biển thuộc xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.464 tỉ đồng.
Khai thác du lịch từ cánh đồng điện gió
Điểm qua những dự án lớn để thấy rằng, từ mảnh đất bãi bồi ven biển, quanh năm nắng, gió tưởng chừng như sẽ khó vượt qua sóng gió, nhưng một khi đã khơi đúng dòng sẽ tạo nên nguồn thu ngân sách lớn.
Các nhà đầu tư điện gió tại ĐBSCL không chỉ khai thác năng lượng mà tận dụng phần đất phía dưới để phát triển du lịch. Năm 2018, Nhà máy điện gió Bạc Liêu là đơn vị đầu tiên “bán vé” cho khách vào tham quan, du lịch. Đây thật sự là hướng mở cho các dự án điện gió khác khai thác tiềm năng du lịch điện gió.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay các dự án điện gió ngoài khơi, ven bờ đều xin chủ trương làm du lịch. Bạc Liêu khuyến khích việc này, vì đây là nhu cầu cũng như nhằm khai thác hết tiềm năng vùng đất ven biển.
Ông Đào Hải Linh, Giám đốc Nhà máy điện gió Hòa Bình 1, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Chúng tôi đã xin chủ trương và đã được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận cho làm dự án Resort Điện gió Hòa Bình 1. Dự án sẽ được sớm triển khai với nhiều sản phẩm du lịch mới như: câu cá biển, Camping trên cầu dẫn giữa biển, ngủ giữa đại dương, 11 villa nghỉ dưỡng, khách sạn 9 tâng đạt tiêu chuẩn 4 sao… Tất cả hứa hẹn một khu du lịch mà chúng tôi gọi là bản giao hướng của gió”.
Ông Trần Phú Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings cho biết, sau khi Quy hoạch Điện 8 được duyệt, công ty sẽ tiếp tục phát triển Nhà máy Điện gió Hoà Bình 5 trên đất liền với công suất 100MW; Dự án Nhà máy Điện gió Hoà Bình (giai đoạn 2) ngoài khơi khoảng 300MW và các dự án điện gió khác. Công ty phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoà lưới điện khoảng 400MW. Doanh nghiệp này cũng xin chủ trương phát triển du lịch tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng cho biết, các công trình điện gió trên địa bàn không những đem lại nguồn năng lượng lớn cho tỉnh mà còn góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh Trà Vinh, tạo thêm điểm nhấn trong du lịch sinh thái biển của tỉnh.
Năng lượng từ điện gió vùng ven biển miền Tây thật sự khơi đúng nguồn, bắt đúng mạch chảy kinh tế cho vùng đất tưởng chừng như chỉ có nắng, gió, bãi bồi… Chính nguồn năng lượng này đã tạo điều kiện cho nhiều tỉnh miền Tây bứt phá phát triển.
Theo: Báo Lao Động