Điện gió tại Việt Nam gặp rủi ro nếu không có biện pháp cứu trợ COVID-19

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Điện gió tại Việt Nam gặp rủi ro nếu không có biện pháp cứu trợ COVID-19

Do tác động của COVID-19, 4.000MW dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành thi công với mục tiêu vận hành thương mại (COD) trước 01/11/2021 có nguy cơ lỡ thời hạn FIT tháng 11/2021. Hậu quả là khoản đầu tư năng lượng sạch trị giá 6,7 tỷ USD cùng với gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.

Ngành điện gió tại Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều dự án đang gấp rút hoàn thành thi công để kịp hạn chót của cơ chế giá điện cố định (FIT) trước ngày 01/11/2021. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã gây ra không ít khó khăn như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, hạn chế sự di chuyển của nhân công và do đó ảnh hưởng nghiêm trọng tiến độ thi công của các dự án điện gió. 

Do tác động của COVID-19, 4.000MW dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tiến hành thi công với mục tiêu vận hành thương mại (COD) trước 01/11/2021 có nguy cơ lỡ thời hạn FIT tháng 11/2021. Hậu quả là khoản đầu tư năng lượng sạch trị giá 6,7 tỷ USD cùng với gần 21.000 việc làm trong tương lai sẽ gặp rủi ro.

Nếu không có biện pháp cứu trợ COVID-19 cho ngành điện gió bằng việc cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án này sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương sẽ mất đi các khoản đầu tư và khoản thu ngân sách quan trọng, do đó cản trở tiến độ hoàn thành các mục tiêu về năng lượng tái tạo được đặt ra trong Nghị quyết số 55/NQ-TW và xảy ra một chu kỳ “phá sản” khiến thị trường điện gió Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi.

Ngày 09/9/2021, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) và ngành điện gió toàn cầu kêu gọi Chính phủ cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng như là một biện pháp cứu trợ COVID-19 cho ngành điện gió Việt Nam. Do những trở ngại và đình trệ do đại dịch gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành kịp hạn chót, trước ngày 01/11/2021, để hưởng cơ chế ưu đãi giá điện cố định (FIT). Nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành thị trường đầu tư điện gió và năng lượng tái tạo hàng đầu châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Những mục tiêu năng lượng nhiều tham vọng được đề xuất trong dự thảo Quy hoạch Điện 8 đã phản ánh cam kết của Chính phủ đối với mục tiêu giảm thải carbon trong hệ thống năng lượng và cải thiện sức cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, việc các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp và chính sách phù hợp và kịp thời để giữ gìn những thành quả đã đạt được là hết sức cần thiết.  

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành, có thể kể đến như: tắc nghẽn chuỗi cung ứng trang thiết bị điện gió, nhân công không thể di chuyển tới công trường dự án để làm việc và thực hiện công tác nghiệm thu, hạn chế di chuyển đối với chuyên gia nước ngoài… Theo kết quả khảo sát do GWEC thực hiện đối với ngành điện gió, tính tới hết tháng 8/2021, ước tính có tới 4.000MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra, và do đó, có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11/2021. 

Theo những tính toán chuyên môn dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư và đây là một khoản đầu tư rất quan trọng đối với chính quyền và người dân địa phương. Khoản này bao gồm 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió. Những dự án điện gió này có thể tạo ra xấp xỉ 21.000 việc làm, từ đó góp phần tạo công ăn việc làm cho các nhóm dân cư ven biển và thúc đẩy một nền kinh tế xanh cho Việt Nam. Phần lớn những khoản đầu tư và việc làm này sẽ được hiện thực hóa ở địa phương và trải dài trong chuỗi cung ứng, từ các hoạt động vận tải, xây lắp đến vận hành và bảo dưỡng.

GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm 6 tháng, tới hết tháng 4/2022, để tạo điều kiện cho các dự án điện gió đã có sự chuẩn bị, đầu tư ở một mức độ nhất định, nhưng do những tác động khách quan của đại dịch COVID-19 không thể hoàn thành thi công một cách an toàn và đúng kế hoạch đã đặt ra. GWEC ủng hộ áp dụng những tiêu chí rõ ràng để lựa chọn các dự án đủ điều kiện lùi thời hạn, thay vì việc gia hạn một cách vô điều kiện. Biện pháp này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế về cứu trợ trong đại dịch cho ngành điện gió. Ví dụ, vào tháng 5/2020, Hoa Kỳ đã ban hành ân hạn một năm cho các dự án điện gió để hoàn thành và hưởng ưu đãi tín dụng thuế; trong khi đó, vào tháng 6/2020, Ấn Độ đã giãn thời hạn vận hành thương mại thêm 2,5 tháng đối với các dự án năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động của các biện pháp phong tỏa kéo dài từ tháng Tư đến tháng Sáu. 

Việt Nam đã xác định điện gió là một ngành then chốt đối với an ninh năng lượng và giảm thải carbon trong khuôn khổ Nghị quyết 55, dự thảo Quy hoạch điện quốc gia và các văn bản khác. Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, mức giá FIT cho điện gió được áp dụng ở mức 8,5 Cent/kWh đối với tất cả các dự án đạt mốc ngày vận hành thương mại (COD) trước ngày 01/11/2021. Chính sách này đã đem lại định hướng phát triển rõ ràng cho thị trường điện gió trên bờ. Tính tới hết tháng 8/2021, chính sách này đã khuyến khích khối lượng đầu tư khổng lồ với hơn 140 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị vận hành lưới điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tuy nhiên, do những thách thức lớn gây ra bởi đại dịch COVID-19, phần lớn các dự án này phải đối mặt với sự chậm trễ bất khả kháng trong việc thi công. Khảo sát của GWEC cho thấy hơn 70% các dự án đã gửi yêu cầu nối lưới trước ngày 03/8/2021 sẽ không thể kịp hạn chót COD. Hậu quả là những dự án điện gió này sẽ không được hưởng ưu đãi từ cơ chế giá FIT, do đó gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế của nhà đầu tư và làm tăng nguy cơ dự án bị bỏ dở giữa chừng.

Sau khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam vào tháng 4/2021, những khó khăn mà dự án điện gió gặp phải ngày càng trở nên nghiêm trọng bao gồm: Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ và việc cung cấp trang thiết bị quan trọng thường chậm tiến độ từ 6-8 tuần. Tình trạng thiếu chuyến bay chở hàng đến Việt Nam và cơ sở vận tải địa phương chưa đủ khả năng vận chuyển thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng càng làm tình hình chậm trễ thêm kéo dài.

Thủ tục đưa chuyên gia quốc tế vào Việt Nam rất phức tạp và khó khăn cùng với những quy định cách ly khiến thời gian cần thiết để đưa chuyên gia tới Việt Nam tăng thêm từ 2 đến 3 tuần, chưa kể những quy định cách ly giữa các tỉnh và địa phương kéo dài từ 7 đến 21 ngày. Việc áp dụng những quy định cách ly này đã khiến thời gian di chuyển của chuyên gia nước ngoài tới công trường dự án tăng hơn gấp đôi, từ 8 tuần lên đến 18 tuần. Việc áp dụng biện pháp phong tỏa giữa các quận/ huyện và tỉnh bao gồm các quy định cách ly theo đặc thù từng tỉnh, giới hạn số lượng nhân công, mô hình “3 tại chỗ” và trong nhiều trường hợp, thậm chí yêu cầu đóng cửa công trường. Các thủ tục tại cảng và hải quan bị đình trệ do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và các ca lây nhiễm trong lực lượng cán bộ hải quan. 

Ông Ben Blackwell, Chủ tịch GWEC cho biết: “Trong một năm rưỡi trở lại đây, những gián đoạn trong đi lại, di chuyển nhân công và đứt gãy chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch COVID-19 đã tái diễn tại nhiều quốc gia. Nhận thức được vấn đề đó, nhiều quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ và Hy Lạp đã đưa ra các gói chính sách cứu trợ hoặc cho các dự án thêm thời gian để đạt thời hạn vận hành thương mại. Sự hỗ trợ đó đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo việc đầu tư và phát triển các dự án điện gió được duy trì dù cho có xảy ra những khó khăn trong thời đại dịch nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà phát triển dự án. Tại Việt Nam, các biện pháp hỗ trợ tương tự cũng rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp điện gió trên bờ còn non trẻ, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.”

Điện gió sẽ có những đóng góp rất lớn cho tương lai ngành năng lượng Việt Nam, và việc hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo là cần thiết để bảo toàn sức hấp dẫn của quốc gia như là một điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC chia sẻ: “Việt Nam là một trong những thị trường điện gió có tiềm năng lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cực kỳ quan trọng cho ngành điện gió trên bờ, với tổng công suất đã vượt 500MW tính đến hết năm 2020. Chính phủ cần lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT để tạo điều kiện cho 4.000MW dự án điện gió có hiệu quả kinh tế và khả năng hiện thực hoá hoàn thành trong thời hạn hợp lý. Đây không phải là vấn đề nhỏ, vì nếu mất đi khối lượng dự án điện gió này cũng đồng nghĩa giáng một đòn mạnh vào môi trường đầu tư năng lượng tái tạo và hậu quả là một chu kỳ “phá sản” mà thị trường điện gió Việt Nam có thể mất nhiều năm để phục hồi.”

Quyết định lùi thời hạn áp dụng FIT sẽ không chỉ đảm bảo tính khả thi của các dự án điện gió trên bờ, mà còn khuyến khích đầu tư vào ngành điện gió ngoài khơi trong tương lai. Khi những dự án điện gió ngoài khơi thế hệ đầu tiên đang dần tiến tới mốc đóng tài chính dự án, các nhà đầu tư quốc tế cũng hồi hộp dõi theo các dự án điện gió trên bờ đang gặp rủi ro sẽ vượt qua những thách thức từ đại dịch như thế nào. Vì vậy, những khó khăn của COVID-19 không chỉ ảnh hưởng 4.000MW điện gió trên bờ và các khoản đầu tư đằng sau dự án, mà còn tác động tới tương lai ngành điện gió ngoài khơi đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Điều này có hàm ý chính sách quan trọng, bởi điện gió ngoài khơi là một giải pháp năng lượng mang tính bền vững, đáng tin cậy, mang tính bản địa với giá cả hợp lý cho Việt Nam.

Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) là một tổ chức quốc tế đại diện cho ngành năng lượng gió, bao gồm hơn 1.500 doanh nghiệp và tổ chức thành viên ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó, nhiều thành viên là những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió.

Nguồn: Dangcongsan.vn

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục