Hệ thống điện quốc gia ghi nhận mức tổng công suất phát của các nguồn điện gió đạt cao nhất 3.386 MW vào lúc 15h20 ngày 17/12, bằng 85% công suất đặt của điện gió trong hệ thống.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, theo quy luật tự nhiên, hàng năm, gió mùa Đông Bắc (loại gió có ảnh hưởng lớn tới các nguồn điện gió tại Việt Nam) tràn vào nước ta từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau, nhưng năm nay đến đầu tháng 12, gió Đông Bắc mới bắt đầu hoạt động mạnh.
Mặc dù đến muộn, nhưng gió Đông Bắc đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các khu vực tập trung điện gió như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, khiến các nguồn điện gió trên cả nước đồng loạt phát cao, với công suất thường xuyên duy trì ở mức 1.500 – 2.500 MW và sản lượng điện bình quân đạt xấp xỉ 50 triệu kWh/ngày, cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, trong các ngày 17 và 18/12, hệ thống điện quốc gia ghi nhận mức tổng công suất phát của các nguồn điện gió thường duy trì trên 3.000 MW, đạt cao nhất 3.386 MW vào lúc 15h20 ngày 17/12.
Kỷ lục vận hành gần nhất là 3.077 MW vào ngày 5/2/2022. Hiện hệ thống có 4.667 MW điện gió đang nối lưới vận hành.
Như vậy, với mức công suất mới này, các nguồn điện gió Việt Nam đã phát đồng thời được đến 85% công suất lắp đặt. Những tín hiệu tích cực trên đã mở ra thêm những hy vọng vào tương lai phát triển nguồn năng lượng sạch này tại nước ta.
Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, thách thức trong vận hành nguồn điện này, bởi khi gặp gió quá lớn (thường có tốc độ trên 21-22m/s), các tua bin sẽ đạt tới giới hạn và phải ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Điều này góp phần gia tăng những khó khăn trong công tác điều độ vận hành hệ thống điện, bởi việc thiếu hụt một lượng lớn công suất do các tua bin gió ngừng vận hành đột ngột sẽ ảnh hưởng tới an ninh cung cấp điện nếu công tác dự báo, giám sát vận hành điện gió không được đầu tư và quan tâm đúng mức.
Thực tế cho thấy trong ngày 17/12, một số nhà máy điện gió tại khu vực Quảng Trị đã gặp tình trạng phải dừng vận hành do tốc độ gió cao hơn giới hạn vận hành của thiết bị.
Dẫu vậy, Hệ thống giám sát khí tượng năng lượng tái tạo (được đưa vào sử dụng, chia sẻ thông tin cho các cấp điều độ, các đơn vị quản lý lưới điện để ứng phó với cơn bão Noru hồi cuối tháng 9/2022) đã nhận diện được và đưa ra các cảnh báo cho tình huống này, hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý kịp thời và các phương án dự phòng cho các khu vực tiếp theo ở phía Nam bị ảnh hưởng, đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định và an toàn.
Theo: Báo Đầu Tư