Điện khí LNG: Muốn lọt cửa, phải khôn ngoan

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Điện khí LNG: Muốn lọt cửa, phải khôn ngoan

Tìm nguồn điện sạch, thời gian hoạt động dài, ổn định trở thành mối quan tâm của ngành điện VN khi phải đối mặt với yêu cầu “đảm bảo cấp điện ổn định” và “không gây ô nhiễm môi trường”.

Làn sóng điện khí LNG

Sau làn sóng đầu tư đổ bộ vào điện mặt trời, điện gió trong hơn 2 năm qua, Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ vào lĩnh vực điện từ khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG). Báo cáo xuất bản tháng 1/2021 của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) viết rằng, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những thị trường nhập khẩu LNG hứa hẹn nhất ở châu Á.

Rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã bày tỏ nguyện vọng theo đuổi các dự án tại Việt Nam. Họ được khích lệ bởi những thay đổi trong tư duy quản lý của Chính phủ (không còn coi nhiệt điện than là trọng tâm của hệ thống điện) và sự tăng trưởng thần tốc của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam trong những năm gần đây.

Về phía mình, các nhà đầu tư nhiệt điện khí đã tích cực truyền đi thông điệp rằng, khí thiên nhiên có thể là “nhiên liệu chuyển dịch sạch”, các tổ máy nhiệt điện khí với khả năng chạy phủ đỉnh sẽ là nguồn công suất cần thiết để bổ trợ cho các nguồn điện tái tạo không ổn định. “Dường như chưa bao giờ ngành điện Việt Nam lại được chứng kiến một làn sóng các nhà đầu tư bày tỏ quan tâm – cùng với áp lực ngoại giao đi kèm – chưa từng có trong lịch sử”, IEEFA nhận xét.

Làn sóng đổ bộ vào làm nhà máy điện khí LNG cũng được cho là có liên quan đến Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với yêu cầu phải chú trọng phát triển nhanh chóng nhiệt điện khí LNG, đồng thời phải ưu tiên phát triển hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG. Theo đó, mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam phải nhập khẩu 8 tỷ m3 LNG/năm, từ con số 0 hiện nay.

Việc hướng sự quan tâm vào điện khí LNG cũng được cho là bởi những ưu điểm của loại hình này với vấn đề đảm bảo cấp điện ổn định và giảm thiểu tác động tới môi trường. Theo hướng này, gia tăng tỷ lệ nhiệt điện khí LNG trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đã được triển khai.

“Dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đang đề xuất nâng công suất nhiệt điện khí hiện tại lên gấp bốn lần vào năm 2030, thành 28 GW (28.000 MW), tương đương 21% tổng công suất toàn hệ thống. Phần lớn trong số này dự kiến sẽ sử dụng LNG nhập khẩu”, báo cáo của IEEFA viết.

Theo các chuyên gia, điện khí LNG có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi khi cần. Bên cạnh đó, lượng phát thải các-bon ít hơn một nửa so với điện than, phương pháp giúp giảm hoặc giảm triệt để lượng phát thải các-bon nhờ dùng hydrogen và phương pháp thu giữ và cô lập các-bon (CCS). Đồng thời, điện khí LNG có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời.

Với thực tế lượng khí CO2 trong khí quyển đang tăng lên, chủ yếu do tác động của con người, thì việc ngành điện có nhiệm vụ và phương pháp tiếp cận đa chiều để thực hiện các bước quan trọng nhằm giảm nhanh phát thải khí nhà kính và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên quy mô lớn được cho là rất phù hợp với xu thế của thế giới.

“Mặc dù điện gió và điện mặt trời được triển khai ồ ạt, ngành điện vẫn không có sự cải thiện đáng kể để đáp ứng các mục tiêu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris về trung hòa các-bon. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cho rằng, để đạt được những cải tiến về hiệu suất nguồn điện, thay vì dành thời gian xây dựng các nguồn điện tái tạo mới, có thể chuyển đổi từ điện than sang điện khí để giảm phát thải nhanh chóng hơn”, ông Vic Abate, Phó chủ tịch GE, Tổng giám đốc công nghệ, cựu Tổng giám đốc của GE Gas Power và GE Renewable Energy cho hay.

Theo Phụ lục 9.5A của Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, có khoảng 24 dự án đang được đề xuất với tổng tiềm năng toàn quốc từ 23 GW (năm 2025) đến 84 GW (năm 2035), nhu cầu LNG nhập khẩu khoảng 60 triệu tấn/năm.

Đàm phán mua điện là thách thức

Theo các chuyên gia, có khoảng 50% các dự án điện khí đang được đề xuất nghiên cứu, xây dựng là các tổ hợp dự án tích hợp với đầy đủ các cấu phần từ cảng nhập khẩu LNG, bồn chứa, hệ thống tái hóa khí, đường ống dẫn khí và nhà máy phát điện. Các dự án còn lại đơn thuần là các nhà máy phát điện chạy khí LNG.

Dẫu vậy, hiện vẫn chưa có dự án điện khí LNG nào được khởi công xây dựng, bởi chưa hoàn tất được các hợp đồng liên quan tới hoạt động của nhà máy, mà đáng chú ý nhất là hợp đồng mua bán điện (PPA). Ngay cả Dự án LNG Bạc Liêu dù đã được cấp phép đầu năm 2020 và rất tự tin quảng bá vẫn đang đàm phán PPA, mà chưa nhìn thấy vạch đích để có thể bước sang phần triển khai trên thực địa.

Nói về tiến độ triển khai dự án LNG, các chuyên gia đến từ lĩnh vực năng lượng cùng một số nhà tư vấn môi giới dự án và thu xếp tài chính cũng cho rằng, thử thách lớn nhất chính là đàm phán PPA.

“Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công thương, theo đó, hồ sơ dự án đã được duyệt phải có trước khi đàm phán. Dựa trên chi phí đầu tư, dòng tiền vào – ra, lợi nhuận nhất định, tỷ lệ chiết khấu… sẽ tính ra giá mua điện mà nhà đầu tư mong muốn bán. Trừ trường hợp cam kết giá bán suốt đời không vượt quá 7 UScent/kWh sẽ khiến EVN ký ngay PPA, còn giá khác thì đều phải mất công tính toán”, ông Nguyễn Bình, chuyên gia tư vấn các dự án điện nhận xét.

Các nhà đầu tư khác cũng cho rằng, do Chính phủ khẳng định không cấp bảo lãnh nào và việc phát điện sẽ là cạnh tranh trên thị trường, nên quyết định đầu tư nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực. “Bỏ ra mấy tỷ USD để làm dự án, trong đó vay nước ngoài lớn mà không có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, thì khi có các tình huống bất ngờ xảy ra, nhà đầu tư sẽ không dễ dàng xử lý được dòng tiền của mình”, ông Bình nói.

Quy mô và hiệu suất là điểm nhấn

Ở khía cạnh khác, chuyện đầu tư dàn trải, đua nhau có dự án điện khí LNG tại nhiều địa phương cũng được cho là cần xem xét ở quy mô tổng thể. Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, việc có 24 dự án điện khí LNG được ghi trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII nếu được thông qua sẽ dẫn tới tình trạng kho cảng nhập LNG và tái hóa khí xuất hiện phủ kín dọc theo suốt chiều dài bờ biển Việt Nam theo cùng một cấu hình “một trung tâm điện lực (nhà máy điện) + một kho cảng nhập LNG và tái hóa khí”.

Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới lại đang phát triển các cụm nhà máy điện sử dụng LNG với cảng tiếp nhận LNG có công suất lớn để tối ưu chi phí phát triển hạ tầng đường ống dẫn khí giữa cảng và các nhà máy điện. Nghĩa là các trung tâm điện lực sử dụng LNG trên thế giới đều lựa chọn nơi có điều kiện xây dựng hạ tầng (kho cảng LNG) thuận lợi với chi phí thấp, có vị trí nằm gần trung tâm phụ tải, phù hợp các tiêu chí về môi trường. Theo đó, kho cảng phải có mức công suất 6 triệu tấn LNG/năm trở lên mới được cho là tối ưu hệ thống và giảm giá thành điện.

Song song với khuyến cáo về quy mô kho cảng LNG, các chuyên gia cũng cho rằng, sử dụng những công nghệ mới, mang tính đột phá mang lại hiệu suất cao sẽ là điểm cộng lâu dài cho nhà máy điện khí LNG trong vấn đề tối ưu hóa chi phí.

Trong cuộc đua của công nghệ, với hai kỷ lục thế giới về vận hành nhà máy điện hiệu suất cao nhất so với các dòng tua-bin dành cho máy có tần số 50 và 60Hz, công nghệ thế hệ H của GE cũng đang được nhiều dự án LNG tại Việt Nam quan tâm bởi giúp tiết kiệm chi phí đáng kể so với các công nghệ khác trong ngành.

“Nhà máy tua-bin thế hệ H mang đến chi phí vốn và chi phí chuyển đổi nhiên liệu thấp nhất tính cho cả vòng đời máy và tổng chi phí sở hữu. Một nhà máy chu trình hỗn hợp thế hệ H có công suất 1.000 MW chiếm diện tích khoảng 0,05 km2 so với 20 km2 của trang trại điện gió trên bờ hay nhà máy điện mặt trời có cùng quy mô”, ông Christophe DuFault, Giám đốc thực hiện dự án khu vực châu Á nói và cho biết, các tua-bin khí HA của GE là những tua-bin khí lớn nhất và đạt hiệu suất cao nhất trên thế giới và đã có hơn 120 đơn hàng từ hơn 48 khách hàng trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, châu Á – Thái Bình Dương hiện được IEA cho là “nơi sẽ có nhiều sự đột phá trong phát triển nhà máy điện khí LNG của thập kỷ 2021-2030”. Bởi vậy, việc Nhà máy Track 4A của Công ty Southern Power Generation ở Malaysia trở thành nơi đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ tua-bin khí 9HA.02 thế hệ hai của GE rất được quan tâm.

Lý do là GE có hơn 80 năm cung cấp và xây dựng nhà máy điện chu trình hỗn hợp, 29 năm ra mắt công nghệ thế hệ H đầu tiên, hơn 850.000 giờ vận hành công nghệ thế hệ H thứ hai (số liệu cập nhật đến tháng 2/2021). Hiện dòng tua-bin thế hệ H của GE đang cung cấp 21,5 GW tại 24 địa điểm trên toàn cầu và được theo dõi hàng ngày tại trung tâm ở Kuala Lumpur.

Ngoài khả năng cung cấp hiệu suất năng lượng vượt trội và khả năng tiết kiệm chi phí, dòng tua-bin thế hệ H mới của GE cũng giúp cắt giảm lượng phát thải – yếu tố then chốt giúp đảm bảo tương lai ngành năng lượng ở châu Á – Thái Bình Dương.

Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, dù LNG có thể là giải pháp vượt trội hơn so với các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác cả về hiệu suất và lượng khí phát thải, nhưng cả hai lợi thế cạnh tranh này lại phụ thuộc nhiều vào công nghệ liên quan.

“Nhà máy điện mới vận hành ở Malaysia và tua-bin 9HA.02 chứng minh rằng, các công nghệ điện khí các-bon thấp hoặc phi các-bon, như công nghệ HA có thể hỗ trợ đẩy nhanh quá trình cắt giảm khí thải CO2 trong sản xuất điện. Tại GE, việc kết hợp điện khí với điện tái tạo sẽ là một phần của giải pháp cho hiện tại và tương lai”, ông DuFault nói.

Hiện LNG được kỳ vọng sẽ dẫn đầu trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, đáp ứng một phần lớn công suất trong 130 GW điện theo nhu cầu dự kiến vào năm 2030. Với mục tiêu này, những tua-bin khí tiên tiến và hiệu quả nhất cho thị trường và phù hợp với tần số 50 Hz của hệ thống điện Việt Nam như 9HA.02 và có khả năng vận hành cực kỳ hiệu quả, linh hoạt với lượng phát thải thấp là những ưu điểm được các nhà đầu tư và hoạch định chính sách mong đợi để có nguồn điện bền vững, đáng tin cậy, đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại đồng thời tạo ra con đường tiếp tục tăng trưởng.

Tiềm năng giảm khí thải các-bon của ngành điện
Ngành điện hiện có tiềm năng giảm đến 1,2 Gt/năm phát thải CO2 bằng cách vận hành các nhà máy nhiệt điện hoạt động mạnh mẽ hơn và giảm mức sử dụng than trung bình.

Tiềm năng giảm lượng khí thải các-bon bằng cách cắt giảm công suất nhiệt điện than và thay thế bằng công suất điện chu trình hỗn hợp mới, hiệu quả cao.

Nếu thực hiện được, có thể giảm đến 10% lượng phát thải ngành điện toàn cầu và 4% tổng lượng khí thải CO2 liên quan đến ngành điện.

Nguồn: Ge.com

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục