Doanh nghiệp Mỹ háo hức đầu tư vào năng lượng sạch ở Việt Nam

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Doanh nghiệp Mỹ háo hức đầu tư vào năng lượng sạch ở Việt Nam

Sau khi thăm sông Sài Gòn và bờ biển Bến Tre, ông John Kerry nhận ra nguy cơ nước biển dâng đe dọa đến người dân ở đây. Ông khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp Mỹ háo hức đầu tư vào năng lượng sạch ở Việt Nam
Ông John Kerry, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của tổng thống Mỹ, thăm Việt Nam trong các ngày 2-6/9. Ảnh: Việt Linh.

Nắng nóng ở châu Âu, hạn hán ở Trung Quốc, lũ lụt tại Pakistan… các sự kiện thời tiết cực đoan đang xảy ra ngày càng thường xuyên trên toàn thế giới do tác động của biến đổi khí hậu.

John Kerry – Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của tổng thống Mỹ, người đã làm việc trong lĩnh vực này 30 năm qua – hiểu điều đó hơn ai hết. Ông không giấu sự lo lắng của mình trong buổi trao đổi với báo chí vào sáng 5/9 nhân chuyến thăm Việt Nam.

“Chúng ta vẫn chưa hành động đủ nhanh. Tôi đã thấy được mối nguy chúng ta sẽ phải đối mặt nếu không hành động nhanh hơn, sau khi tôi có dịp đi thăm Bến Tre và sông Sài Gòn”, ông Kerry nói với Zing. “Giải pháp cho khủng hoảng khí hậu là năng lượng sạch và giảm phát thải”.

Tương lai là điện sạch

“Than thực ra đắt hơn rất nhiều”, ông Kerry nói khi được hỏi làm sao để giải quyết vấn đề giá năng lượng tái tạo vẫn cao hơn so với điện than. 

Ông Kerry chỉ ra rằng điện than ở một số khu vực rẻ hơn năng lượng tái tạo còn là vì được trợ giá. Ngoài ra, loại nhiên liệu giá rẻ này còn có những chi phí ngầm đối với môi trường như làm Trái Đất ấm lên, gián tiếp làm tăng độ axit của nước biển và hủy hoại rạn san hô…

Vị cựu ngoại trưởng Mỹ thừa nhận một số nước ở châu Âu đang quay lại với các nhà máy điện than nhưng khẳng định đây chỉ là giải pháp tạm thời trước tình trạng nguồn năng lượng bất ổn hiện nay.

“Điện than sẽ chỉ là giải pháp khẩn cấp khi không có ánh nắng Mặt Trời, không có gió hay khi pin chứa không thể nạp thêm được nữa”, ông Kerry khẳng định. 

Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng nhận ra xu hướng rời xa điện than và đã tiến hành nhiều dự án điện gió và điện Mặt Trời. Nhưng theo ông Kerry, khâu truyền tải điện vẫn cần được chú ý đẩy mạnh hơn nữa.

Doanh nghiệp Mỹ háo hức đầu tư vào năng lượng sạch ở Việt Nam
Ông John Kerry trong chuyến thăm Bến Tre gần đây. Ảnh: Twitter/John Kerry.

“Ở tỉnh Bến Tre, tôi được chứng kiến những chiếc tuabin điện gió rất lớn đã xây xong. Chúng sẵn sàng cung cấp năng lượng sạch cho Việt Nam ngay từ ngày mai, nhưng hiện lại chưa có đường dây nối chúng với lưới điện”, ông Kerry nói.

Quan sát của ông Kerry phù hợp với kết luận của báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 do Bộ Công thương công bố hồi tháng 5. Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam cần sớm đầu tư vào năng lực lưới điện truyền tải vì dự kiến đến năm 2050, công suất truyền tải điện liên vùng có thể đòi hỏi gấp 5-6 lần mức hiện tại.

Mỹ sẵn sàng giúp đỡ

“Chúng ta cần hành động nhanh hơn, không chỉ ở Việt Nam mà ở mọi nơi, kể cả nước Mỹ”, Đặc phái viên John Kerry nói. “Nhưng chúng ta phải cùng giúp nhau. Chúng tôi có thể đem đến công nghệ mới và tài chính quốc tế để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển giao sang năng lượng sạch cho Việt Nam”.

Để thúc đẩy quá trình ấy, ông Kerry khuyến nghị Việt Nam thiết lập khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho thị trường năng lượng sạch để nhà đầu tư nước ngoài an tâm.

“Thế giới có hàng nghìn tỷ USD sẵn sàng để đầu tư. Nhiều công ty sẵn sàng vào Việt Nam đấu thầu các dự án năng lượng sạch nhưng nhà chức trách cần thực hiện một số điều để tạo ra sân chơi ấy”, ông Kerry nói.

Doanh nghiệp Mỹ háo hức đầu tư vào năng lượng sạch ở Việt Nam
Nhiều tập đoàn đa quốc gia ngày càng quan tâm đến khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo khi quyết định đầu tư. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn quốc tế như Carlsberg, Heineken, Logitech… đều tuyên bố sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo trong các cơ sở của họ, sớm nhất là vào năm 2025. Vì thế, khả năng tiếp cận năng lượng sạch cũng sẽ dần trở thành một yếu tố được cân nhắc trong quyết định đầu tư.

Năm 2021, Lego đã rót 1 tỷ USD xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này tại tỉnh Bình Dương. Con số 1 tỷ USD bao gồm cả phần đầu tư cho sản xuất năng lượng Mặt Trời.

Ông Jake Levine, Giám đốc phụ trách biến đổi khí hậu thuộc Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) – ngân hàng phát triển của Mỹ – cho biết các nhà khởi nghiệp từ nước này rất háo hức muốn xây dựng các doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam.

“Họ chỉ cần chính phủ mở khóa cho sự cạnh tranh thị trường thông qua việc giảm điều tiết và đưa ra quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch để các công ty có thể vận hành và lên kế hoạch”, ông Levine nói.

Ông Levine lấy việc VinFast mở nhà máy xe điện ở Mỹ làm ví dụ. Theo ông, chính vì một số bang ở Mỹ đã ra luật chỉ sản xuất xe điện sau một khoảng thời gian nữa, các nhà sản xuất xe từ khắp thế giới, bao gồm VinFast, biết được họ sẽ có thị trường tại đây.

“DFC rất vui nếu VinFast xây nhà máy ở bang California (Mỹ). Chúng tôi muốn hỗ trợ họ ở đây để giúp tạo ra ngành sản xuất xe điện nội địa cho Việt Nam”, ông Levine nói. “Chúng tôi tin rằng với mô hình tương tự, Việt Nam sẽ có một thị trường xe điện rất sôi động”.

Theo: Zingnews

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục