Giảm độc quyền của ngành điện

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Giảm độc quyền của ngành điện

Việc cho doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được coi là khởi đầu cho thị trường mua bán điện bình đẳng, giảm cơ chế độc quyền chỉ có một đơn vị cung cấp…

Doanh nghiệp sẽ mua điện với giá tốt hơn

Theo thông tin trên Nikkei Asia Review ngày 3.5, tập đoàn điện tử khổng lồ đến từ Hàn Quốc là Samsung đang muốn “đàm phán” với Việt Nam để tham gia dự án thí điểm năng lượng tái tạo. Cụ thể, Samsung đang đối mặt với áp lực bớt phụ thuộc vào than đá. Tập đoàn này đề xuất Bộ Công thương hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) triển khai thí điểm cơ chế mua/bán điện trực tiếp (DPPA), mà không phải mua qua EVN. Tuần trước, yêu cầu này được nhắc lại trong buổi làm việc với Bộ Công thương nhằm nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính hết năm 2020, theo Nikkei Asia Review, có 25 DN Việt nằm trong danh sách các nhà cung ứng lớn của Samsung Electronics, mặc dù hầu hết là các công ty nước ngoài.

Giảm độc quyền của ngành điện

Thực tế, Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA). Theo đó, khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22 kV trở lên) có thể đàm phán, thỏa thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn. DN mua bán điện sẽ thực hiện qua thị trường giao điện ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công thương; DN không chỉ được hưởng giá điện cố định do hai bên thỏa thuận trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng mà còn tránh được những rủi ro về chi phí sử dụng năng lượng trong tương lai, chẳng hạn khi giá điện bán lẻ tăng. Đặc biệt, để tham gia vào dự án thí điểm này (giai đoạn 2021 – 2023), theo Cục Điều tiết (Bộ Công thương), khách hàng phải có cam kết sử dụng năng lượng tái tạo, 3 năm đầu phải mua với tỷ lệ sản lượng điện từ 80% trở lên. Với đơn vị phát điện, dự án điện mặt trời, điện gió này phải có trong quy hoạch, công suất trên 30 MW…

Trao đổi với Thanh Niên, bà Cecile Phạm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex, một trong những DN ngành may mặc xuất khẩu lớn tại miền Trung, cho rằng không chỉ đối với ngành điện tử, tiền điện chiếm phần không nhỏ cho rổ chi phí của DN ngành may mặc. Miền Trung và miền Nam hiện có lợi thế phát triển mạnh năng lượng mặt trời. Nếu DN sản xuất có mức tiêu thụ năng lượng lớn, được tham gia ký kết trực tiếp với các dự án sản xuất điện mặt trời trong khu vực là điều “quá tuyệt vời”. Tình trạng hiện nay là nhiều dự án điện mặt trời đang thừa công suất, không bán cho EVN được vì quá tải đường truyền, trong khi đó, điện sản xuất trong giờ cao điểm mua từ ngành điện với cấp điện áp trên 22 kV vào giờ cao điểm cũng trên 3.000 đồng/kWh. Giả sử có hợp đồng mua bán theo thỏa thuận giữa nhà sản xuất điện với DN, không qua trung gian EVN, chắc chắn có giá tốt hơn.

Cơ chế DPPA rất phù hợp với các công ty đa quốc gia, có những cam kết với đối tác trong sử dụng nguồn năng lượng sạch. Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài với các dự án có tầm nhìn thân thiện môi trường, giảm phát khí thải, chính sách mua bán điện trực tiếp cần sớm được triển khai. Theo chúng tôi hiểu, khi ký kết hợp đồng DPPA, DN sử dụng điện sẽ được đàm phán về giá mua điện và được hưởng giá điện cố định do hai bên thỏa thuận trong suốt thời gian dài của hợp đồng. Như vậy, DN sẽ được đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn, tránh các rủi ro về chi phí sử dụng năng lượng trong tương lai (do tăng giá điện bán lẻ)”, DN này chia sẻ và cho rằng, nên thí điểm DPPA với các DN sản xuất tiêu thụ điện năng lớn trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt may…

Khởi đầu thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, bình đẳng

Chuyên gia năng lượng độc lập – TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng VN) đánh giá nếu đề xuất của Samsung được thông qua, đây sẽ là tiền đề để Việt Nam triển khai mô hình mua/bán điện trực tiếp, phù hợp với tiến trình thị trường hóa điện lực mà Chính phủ và Bộ Công thương đang xây dựng. Ngay trong giai đoạn bán buôn đã cho phép truyền tải trực tiếp từ chỗ sản xuất, xây dựng đường dây đến tận nơi tiêu thụ, không cần bán qua bên trung gian là EVN như hiện nay.

Theo ông Lâm, mô hình mua/bán điện trực tiếp, không qua EVN có rất nhiều mặt lợi: Đơn vị sản xuất điện yên tâm vì chủ động cơ cấu được sản lượng dựa vào đo đếm nhu cầu và thương lượng với khách hàng, có bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu, không bị động dựa vào khả năng truyền tải của EVN mà phải giảm hoặc thậm chí phải ngưng sản xuất như tình trạng đã xảy ra trong thời gian qua. Về phía khách hàng, họ được quyền lựa chọn nhà cung cấp phù hợp, lựa chọn nơi cung cấp điện gần nhà máy để giảm chi phí truyền tải và được chủ động thương lượng giá. Đó là chưa kể việc bỏ qua khâu trung gian là EVN, giảm phí, giảm nhân lực, đối với một số hợp đồng mà nơi cung ứng điện gần nơi tiêu thụ, không mất quá nhiều công truyền tải, giá điện có thể giảm tương đối hoặc khả năng lời của nhà sản xuất tăng cao.

Thị trường hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp, sản xuất điện gió, điện mặt trời, việc mua/bán trực tiếp sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh, đúng nghĩa định hướng thị trường hóa điện lực. Ở một số nước, chính phủ không chỉ cho phép mua/bán điện trực tiếp mà còn chia ra theo vùng, không thống nhất 1 giá điện trên toàn quốc. Những nơi tiêu thụ gần nơi sản xuất thì giá điện thấp hơn, xa nơi sản xuất thì giá điện cao hơn, do tiết kiệm được chi phí và nhân công khâu truyền tải. Nhưng tất cả đều có trong lộ trình. Từ cho phép mua/bán trực tiếp trong bán buôn, cơ quan quản lý sẽ xây dựng nhiều phương án hợp lý hơn, từng bước thị trường hóa ngành điện lực”, vị này nhận định.

Chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, cho rằng chính sách mua bán điện trực tiếp giúp có sự cạnh tranh về giá và là tiền đề giảm giá điện. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ không được hưởng lợi nếu cơ chế DPPA không phù hợp. Việc có giải tỏa được nguồn năng lượng tái tạo thừa hay không lại chuyện khác. Các bên liên quan vẫn cần “hỏi” bên quản lý lưới điện xem có tải được công suất mà hai bên mua/bán ký kết không. Việc mua/bán điện trực tiếp sẽ khả thi nếu không nằm trong vùng căng thẳng lưới điện.


Ông Trần Văn Bình, chuyên gia năng lượng tái tạo nhận định: “Cơ chế DPPA sẽ tạo thuận lợi cho các công ty tư nhân lớn trên toàn cầu có nhu cầu sử dụng năng lượng lớn có thể hợp tác với Việt Nam để cấp vốn cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, chứ không chỉ là chuyện mua bán. Samsung hiện có đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, như vậy, đề nghị của họ hoàn toàn có cơ sở. Đưa cơ chế DPPA vào hiện thực là góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam cũng đang trong tầm cảnh báo của các tổ chức quốc tế”.

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục