Nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) được đánh giá là “đỏng đảnh”, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trong khi, có những thời điểm công suất tiêu thụ đỉnh rơi vào buổi tối (khoảng 22h). Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có trả lời về vấn đề này.
Nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã phát thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về Quy hoạch Điện VIII (ngày 5.11).
Đây là lần thứ ba từ đầu năm, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện lại quy hoạch này. Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương cần rà soát quy hoạch phát triển nguồn điện, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.
Nhiều chuyên gia cho hay, hiện Việt Nam cũng là quốc gia sử dụng điện từ nhiệt điện khá cao. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhiên liệu từ nhiều quốc gia trên thế giới, việc nhập khẩu nhiên liệu hoá thạch của Việt Nam trong thời gian tới sẽ ngày càng khó khăn.
Theo số liệu tại tờ trình Quy hoạch Điện VIII cho thấy, với phương án cơ sở, than nhập khẩu sẽ tăng từ 53,8 triệu tấn vào năm 2030 lên 75,3 triệu tấn vào năm 2045; với phương án cao, than nhập khẩu tăng từ 56,3 triệu tấn vào năm 2030 lên 80,3 triệu tấn vào năm 2045.
Đánh giá về phương án nhiên liệu sử dụng cho phát điện giai đoạn tới năm 2045, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, từ năm 2030 trở đi, Việt Nam sẽ phải chi ít nhất từ 10-15 tỉ USD/năm, để phục vụ việc nhập khẩu than, khí làm nhiên liệu cho sản xuất điện.
Ngoài ra, theo GWEC, danh mục dự án ưu tiên của dự thảo Quy hoạch Điện VIII liệt kê 21 dự án điện than. Qua rà soát cho thấy, khoảng 70% dự án chậm tiến độ, trong đó, có những dự án đã được đưa vào từ Quy hoạch Điện VI (2006-2010) và tiếp tục điều chỉnh tiến độ ở Quy hoạch Điện VII (2011-2020), nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành.
Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhận định, việc chậm trễ trong triển khai các nguồn nhiệt điện dẫn đến nguy cơ thiếu điện. Chính điều này cũng dẫn đến chủ trương phát triển nhanh các nguồn điện năng lượng tái tạo trên cả nước qua các cơ chế khuyến khích.
“Việc phát triển nhanh các nguồn điện này đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện trong những năm gần đây nhưng cũng đem lại một số khó khăn trong việc truyền tải điện.
Trong ngắn hạn, vận hành hệ thống điện còn đối mặt với các thách thức trong dự báo sản lượng điện năng lượng tái tạo, phụ tải điện biến động do đại dịch COVID-19, nhu cầu truyền tải điện giữa các miền tăng cao.
Dài hạn, khi hoàn thành đưa vào vận hành các dự án nguồn điện ở miền Bắc, đảm bảo tối đa cung cầu nguồn – tải nội miền, kết hợp với tăng cường năng lực truyền tải liên miền, việc cung ứng điện sẽ đảm bảo ổn định và tin cậy hơn”, ông Dũng nói.
Năng lượng tái tạo có “đỏng đảnh”
Trả lời về việc – năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) được đánh giá là “đỏng đảnh”, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trong khi, có những thời điểm công suất tiêu thụ đỉnh rơi vào buổi tối (khoảng 22h).
Vậy, cần chiến lược để cung cấp năng lượng cho quốc gia nhằm chủ động nguồn cung? Ông Dũng cho hay, việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo phải được đặt trong một bức tranh phát triển hài hòa hệ thống điện nói riêng và hệ thống năng lượng nói chung.
“Việc phát triển triệt để các nguồn điện năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, nhưng cần cân nhắc đến các vấn đề về đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện và đảm bảo giá điện ở mức chấp nhận được, có khả năng chi trả. Điều này đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh”
ông Dũng nói.
Cũng theo vị này, phương án phát triển và huy động các nguồn điện này cần được thực hiện với các giải pháp đồng bộ. Theo đó, cần đảm bảo tiến độ các dự án, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.
Nguồn: Laodong.vn