Thời gian còn lại để kịp hưởng giá ưu đãi cho điện gió không còn nhiều, trong khi thủ tục để được công nhận COD không dễ dàng.
Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương hơn 2.200 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Cả tháng nay, Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn đầu tư dự án điện gió tại Quảng Trị thường xuyên có mặt tại công trường thi công dự án, đôn đốc nhà thầu thi công ngày đêm nhằm đưa dự án kịp nghiệm thu, vận hành thương mại (COD) trước 31/10/2021.
Các trụ turbin gió của dự án đang được các chuyên gia nước ngoài tinh chỉnh kỹ thuật các thông số để chuẩn bị Chạy tin cậy 72 giờ. Từ 15/10 dự án sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm và dự kiến đến 18/10 có các thông số đầu tiên chuyển tới công ty mua bán điện. Gần các bước cuối để nghiệm thu nhưng theo ông, việc thử nghiệm cũng không hề dễ. “Nhiều thủ tục kinh khủng”, ông nói.
Vị này cho biết, việc thử nghiệm với dự án điện gió không giống điện mặt trời, có gió mới làm được. Có thử nghiệm yêu cầu nhà máy phải phát tối đa công suất tác dụng (tối thiểu 70% công suất định mức) nên khi nào gió yếu sẽ không thực hiện được. “Chúng tôi rất nỗ lực nhưng thử nghiệm lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết”, ông chia sẻ.
Thủ tục để được công nhận COD không đơn giản. Đầu tháng 10, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát công văn tới chủ đầu tư lưu ý về điều kiện với trụ điện gió. Một trong những căn cứ chấp thuận hoàn thành hạng mục công trình là “văn bản chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy”.
Đây là một trong các cơ sở để đơn vị trong lĩnh vực điện lực thuộc Bộ Công Thương hoặc UBND cấp tỉnh xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu, đưa công trình điện gió vào sử dụng trước ngày 1/11.
Văn bản này chỉ là một trong số hàng loạt thủ tục nhà đầu tư điện gió phải hoàn thành để được đưa dự án vào vận hành hưởng giá ưu đãi 8,5 cent (tương đương hơn 2.200 đồng) một kWh, theo Quyết định 39/2018.
“Giờ phải đến khi có văn bản chấp thuận đưa phần công trình vào sử dụng chúng tôi mới yên tâm được vì từ giờ đến lúc đó không biết sẽ như thế nào”, chủ đầu tư dự án điện gió tại Quảng Trị chia sẻ.
Chủ đầu tư này đề nghị, các bộ phận của công ty mua bán điện, của Sở Công Thương nên tạo điều kiện cho các nhà đầu tư để COD, thậm chí có thể làm thêm giờ, làm ca đêm để hỗ trợ nhà đầu tư kịp COD. Trong quy trình công nhận COD, nếu nhà đầu tư thiếu sót gì thì hướng dẫn ngay, tránh việc đơn vị đủ điều kiện mà vẫn bị lỡ hẹn ngày vận hành thương mại.
Theo số liệu cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có 106 nhà máy điện gió gửi hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW. Tuy nhiên đến cuối tháng 9 có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4 MW đã được công nhận COD.
Ngoài chuyện thủ tục, những khó khăn do dịch cũng khiến nhiều dự án điện gió nguy cơ không kịp vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi.
Lãnh đạo một dự án điện gió tại Phú Yên cho biết, dịch bệnh khiến dự án của ông bị lùi tiến độ khoảng 2 tháng. Chuyên gia nước ngoài không thể sang, vận chuyển turbin hay chuyển thiết bị từ cảng về khó khăn do các địa phương siết chặt phong tỏa, hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn, thiếu nhân lực thi công….
Là đối tác đầu tư loạt dự án điện gió tại Gia Lai, Phú Yên, Hà Tĩnh… với tổng công suất 370 MW, ông Hoàng Ngọc Quy, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn HBRE cho biết đợt dịch thứ tư đã gây ra rất nhiều khó khăn.
Đơn cử, tại dự án Chư Prông (Gia Lai) đang thi công ngày đêm với 3 ca liên tục trong thời gian qua đến nay đã hoàn thành hai phần ba khối lượng lắp đặt tuabin và thời gian để hoàn thành xây dựng, thủ tục nghiệm thu cũng như công nhận COD không còn nhiều.
“Vốn đầu tư điện gió chủ yếu từ nguồn vốn vay ngân hàng, ngành điện gió trong hoàn cảnh hiện nay cũng mong muốn được Nhà nước có chính sách hỗ trợ tương tự như những hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác trong thời gian qua”, ông Quy chia sẻ.
Hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp lúc này, theo ông Quy, là mong muốn Chính phủ xem xét gia hạn cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 với điện gió trên đất liền đến tháng 12/2022 và điện gió ngoài khơi đến tháng 12/2025 để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện đưa dự án hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng, hoàn thành xây dựng đóng điện kịp tiến độ. Việc này cũng nhằm tránh nguy cơ phá vỡ phương án tài chính được phê duyệt nếu như được hỗ trợ gia hạn từ Chính phủ.
Riêng với điện gió ngoài khơi, do tính chất phức tạp thực hiện thủ tục liên quan nhiều bộ, ngành nên thời gian đầu tư xây dựng cần mất 3-4 năm. Do đó, Tổng giám đốc điều hành HBRE nhìn nhận, việc gia hạn áp dụng cơ chế giá FIT cho dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết, sẽ tạo động lực để nhà đầu tư có thể triển khai đầu tư, xây dựng dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam.
Trong kiến nghị lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió, Tiến sĩ Mai Duy Thiện, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn việc nghiệm thu vận hành thương mại cũng tiềm ẩn nhiều trở ngại. Bởi hàng loạt dự án cùng thực hiện công việc này vào tháng 9 và 10/2021; trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến. Do vậy, EVN sẽ khó bố trí đủ lực lượng để hoàn thành công việc này.
Đến lúc này, các doanh nghiệp vẫn mong Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho dự án điện gió đã kí hợp đồng mua bán điện (PPA), có hợp đồng mua thiết bị. Bởi lẽ dịch Covid-19 làm các nhà đầu tư điêu đứng.
Ở góc độ tổ chức tư vấn quốc tế, chia sẻ với VnExpress, bà Vũ Chi Mai – Trưởng hợp phần Năng lượng tái tạo thuộc GIZ cũng thừa nhận Covid-19 là yếu tố khách quan mà cơ chế giá ưu đãi theo Quyết định 39 chưa tính tới, tác động tới các dự án điện gió (trên bờ, gần bờ, ngoài khơi…).
Vì thế, phía Đức, Đan Mạch cũng đề nghị với các dự án đã có chuẩn bị và đã đi được những bước nhất định trong quá trình đầu tư nhưng do quá trình vận chuyển turbin gặp trở ngại, chuyên gia kỹ thuật nước ngoài không thể sang do Covid-19… thì cần có sự chuyển dịch thời gian nhất định sau ngày 31/10/2021. Thời gian “chuyển dịch” có thể là 3-6 tháng. Còn mức giá trong thời gian chuyển tiếp là bao nhiêu, bà Mai nói, cần được tính toán trên cơ sở tác động của Covid-19 ảnh hưởng thực sự tới dự án, bài toán kinh tế của dự án.
Ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam, cho rằng cần có rà soát rõ ràng dự án nào, mức độ ảnh hưởng vì Covid-19 ra sao thì được xem xét gia hạn chứ không thể gia hạn ồ ạt, chung cho tất cả. Có dự án chỉ ghi tên, nhưng tới giờ chưa triển khai được gì thì không nên xem xét.
“Bộ Công Thương cần rà soát trong 106 dự án đã đăng ký nghiệm thu COD, bao nhiêu đã có hợp đồng, đã chuyển tiền mua turbin… để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực sự của Covid-19”, ông nói với VnExpress.
Ở góc độ huy động vốn đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân, ông Mai Duy Thiện nhấn mạnh việc lùi thời hạn giá FIT cho nhà đầu tư thì cũng nên xem xét, nhằm xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, để các doanh nghiệp nhà nước đỡ phải thu xếp vốn cho việc phát triển nguồn điện. Bởi để huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp nhà nước cho việc đầu tư hàng nghìn MW điện gió này là một vấn đề hết sức khó khăn.
Dù vậy, ông Hà Đăng Sơn nhìn nhận, cơ chế chuyển đổi phải tính toán thật kỹ bởi mức giá đưa ra bao nhiêu là hợp lý cũng là vấn đề cực khó.
“Giá nào cũng khó, vì áp lực tài chính cực lớn lên EVN khi phải bù giá, trong khi đây là nguồn không ổn định, họ phải huy động nguồn giá đắt để chạy bù cho phần điện tái tạo”
Ông lưu ý
Nguồn: vnexpress.net