DNV vừa công bố một nghiên cứu mới liên quan đến thị trường điện gió nổi ngoài khơi đang phát triển và khả năng thương mại hóa của lĩnh vực này.
Nghiên cứu được thực hiện bởi 244 nhà đầu tư, nhà sản xuất, cố vấn và nhà khai thác từ khắp nơi trên thế giới, 60% trong số họ tin rằng điện gió nổi ngoài khơi sẽ được thương mại hóa hoàn toàn vào năm 2035 và 25% trong số họ tin rằng điều này sẽ xảy ra sớm nhất là vào năm 2030.
DNV (trước đây là DNV GL ) là tổ chức đăng ký và phân loại được quốc tế công nhận có trụ sở tại Høvik, Na Uy. Công ty đồng thời cung cấp dịch vụ cho một số ngành công nghiệp bao gồm hàng hải, dầu khí, năng lượng tái tạo, điện khí hóa, thực phẩm và đồ uống và chăm sóc sức khỏe. DNV GL được thành lập vào năm 2013 là kết quả của sự hợp nhất giữa hai tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực này – Det Norske Veritas (Na Uy) và Germanischer Lloyd (Đức). Năm 2021, DNV GL đổi tên thành DNV, đồng thời giữ nguyên cấu trúc sau sáp nhập.
DNV là tổ chức đăng kiểm lớn nhất thế giới, cung cấp dịch vụ cho 13.175 tàu và các đơn vị di động ngoài khơi (MOU) với tổng khối lượng 265,4 triệu tấn, chiếm 21% thị phần toàn cầu.
Đây cũng là công ty tư vấn và giám sát kỹ thuật lớn nhất đối với năng lượng tái tạo toàn cầu (đặc biệt là gió, sóng, thủy triều và mặt trời) và ngành dầu khí – 65% đường ống ngoài khơi trên thế giới được thiết kế và lắp đặt theo tiêu chuẩn kỹ thuật của DNV.
Tiềm năng của điện gió nổi ngoài khơi
Nhiều dấu hiệu cho thấy sự phát triển đầy hứa hẹn của lĩnh vực điện gió nổi ngoài khơi. Từ năm 2023, 60% các doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng mức đầu tư vào lĩnh vực này. Theo DNV, đến năm 2050, 15% tổng công suất điện gió ngoài khơi được lắp đặt sẽ đến từ các tuabin nổi.
Những trở ngại cần tháo gỡ
Báo cáo chỉ ra rằng để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này, vẫn còn rất nhiều thách thức cần giải quyết. Chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, bằng cách thiết lập các khung chính sách và quy định dài hạn ổn định và đáp ứng các cơ sở hạ tầng quan trọng như mạng lưới điện và bến cảng. Đồng thời xem xét cắt giảm chi phí thông qua việc tiêu chuẩn hóa và kế hoạch phát triển.
Tiêu chí lựa chọn hợp đồng
Việc thương mại hóa sẽ phụ thuộc một phần vào tiềm năng đầu tư của các thị trường chính. 21% số người được hỏi, xem quy mô thị trường là tiêu chí đầu tiên để lựa chọn thị trường đầu tư, tiếp theo là sự ổn định về quy định và chính sách (16%) và đáp ứng đủ mạng lưới điện (12%).
Tiêu chuẩn hóa, kích thước tuabin và công nghiệp hóa
Để phát triển điện gió nổi ngoài khơi, điều kiện tiên quyết là Chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) cần được giảm nhanh và nhiều nhất có thể. 21% số người được hỏi tin rằng, việc tiêu chuẩn hóa sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm LCOE. Tiếp đến, cần có các tuabin với kích thước lớn hơn và công nghiệp hóa. Song song với đó, các trang trại điện gió với quy mô lớn hơn cũng rất cần thiết (giúp tiết kiệm diện tích và công suất lắp đặt lớn hơn). Tiêu chuẩn hóa cũng được đề cập đến như một yếu tố chính trong việc giảm thiểu rủi ro.
Thách thức của chuỗi cung ứng
Điện gió nổi là một phân khúc của điện gió ngoài khơi, lĩnh vực này đã đặt ra nhiều thách thức về mặt hậu cần. Mặc dù loại năng lượng tái tạo này không phụ thuộc vào các bến cảng tiên tiến như điện gió ngoài khơi được lắp đặt, nhưng nó yêu cầu các cảng cần có khu vực neo đậu. Theo các chuyên gia, cần phải thiết lập thêm nhiều khu neo đậu trong 10 năm tới, đây chính là một thách thức đối với ngành.
Các kế hoạch cụ thể
Để tháo gỡ những thách thức này, Magnus Ebbesen – Trưởng bộ phận Điện gió nổi ngoài khơi tại DNV giải thích rằng, thế hệ đầu tiên của các trang trại điện gió nổi quy mô lớn cần được lắp đặt vào năm 2030. Theo dự báo của DNV, khoảng 300 GW điện gió nổi ngoài khơi sẽ được lắp đặt trên toàn thế giới trong 30 năm tới và sẽ cần khoảng 20.000 tuabin. Mỗi tuabin sẽ được gắn trên các cấu trúc nổi nặng hơn 5.000 tấn và được cố định bằng các sợi dây thừng dài.
Theo: Petrotimes.vn