Sau hơn 3 năm trễ hẹn, mới đây Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Đồng Nai có 3 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) với quy mô lớn.
Việc có tên trong danh mục dự án được ưu tiên, xem xét sẽ giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian và tỉnh sớm có thêm nguồn năng lượng xanh tại chỗ.
3 dự án có tên trong danh mục
Giữa tháng 5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Điểm mới trong quy hoạch này là ưu tiên phát triển khai thác, sử dụng các nguồn NLTT phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
Trong danh mục dự án điện mặt trời được triển khai trong thời kỳ quy hoạch, nếu thực hiện theo hình thức tự sản, tự tiêu, tỉnh có 2 dự án tại H.Vĩnh Cửu là: Điện mặt trời Trị An, công suất 101MW (do Tập doàn Điện lực Việt Nam đầu tư) và Điện mặt trời nổi KN Trị An, công suất 928MW (do Tập đoàn KN Cam Ranh, Khánh Hòa đầu tư). Ở nhóm dự án điện rác có dự án Nhà máy xử lý rác thành điện tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất) công suất giai đoạn 1 là 3,42MW và các dự án điện rác khác có công suất 149MW.
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong chia sẻ, việc có tên trong danh mục dự án của Quy hoạch điện VIII sẽ giúp chủ đầu tư giảm được thời gian thực hiện các bước như: làm hồ sơ trình Sở Công thương thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các thủ tục khác như: báo cáo đánh giá tác động môi trường, hợp đồng mua bán điện cũng thuận lợi hơn.
“Các dự án NLTT đã được phê duyệt trước đây (kể cả chưa triển khai) vẫn còn hiệu lực thực hiện. Dự án NLTT có tên trong Quy hoạch điện VIII thì chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để triển khai” – ông Phong chia sẻ.
Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi Lê Thị Giang cho biết, năm 2021, dự án Nhà máy điện rác ở xã Quang Trung đã được UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, thời điểm đó, Quy hoạch điện VII điều chỉnh hết hiệu lực, Quy hoạch điện VIII chưa được duyệt. Nay được duyệt, công ty sẽ triển khai.
Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 27 triệu USD, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xử lý chất thải 150 tấn/ngày, công suất phát điện hơn 3,4MW. Giai đoạn 2 và 3, tùy hiệu quả kinh tế mà giai đoạn 1 đem lại để quyết định đầu tư.
Được phát triển thêm dự án ngoài quy hoạch
Trong Quy hoạch điện VIII, ngoài các dự án có tên, Chính phủ cũng phê duyệt chỉ tiêu cụ thể đối với từng loại hình: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ điện NLTT đạt 39% và đến năm 2050 đạt hơn 70%.
Giải pháp đưa ra là triển khai các dự án theo quy hoạch được duyệt. Phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ tại chỗ, không phát lên hệ thống lưới điện quốc gia tại các tòa nhà công sở và nhà dân đạt 50% vào năm 2030. Không hạn chế công suất cơ sở sản xuất phát triển NLTT tự sản, tự tiêu.
Theo Sở Công thương, Quy hoạch điện VIII có điểm “mở” đó là dựa trên chỉ tiêu phát triển từng loại hình NLTT, Bộ Công thương sẽ phân bổ chỉ tiêu về cho các địa phương. Trên cơ sở đó, địa phương cân nhắc vị trí, dự án đề xuất thực hiện. Ví dụ điện rác, Đồng Nai được phân bổ gần 160MW. Như vậy, ngoài Nhà máy điện rác tại xã Quang Trung được phê duyệt, tỉnh sẽ xem xét đề xuất của nhà đầu tư, kiến nghị Bộ Công thương dự án, công suất, thời gian thực các dự án nằm trong “gói” được phân bổ mà không phải chờ bổ sung quy hoạch.
Xét về tiềm năng và nhu cầu, Đồng Nai có lợi thế phát triển điện mặt trời (mái nhà, mặt đất, mặt nước), điện sinh khối (rác thải, nước thải) và thủy điện. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đề xuất dự án, nhưng do vướng nhiều quy định, Quy hoạch điện VIII chưa được duyệt nên chưa thực hiện.
Tại buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 24-5-2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu phát triển NLTT. Đồng Nai đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị, làm việc với các bộ, ngành thống nhất điều kiện, thủ tục cho các dự án điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới. Điều này nhằm giảm chi phí tiền điện, đáp ứng tiêu chí sử dụng năng lượng xanh của doanh nghiệp, đồng thời giúp tỉnh và ngành điện giảm bớt áp lực đầu tư hạ tầng lưới, cung ứng điện.
Theo: Báo Đồng Nai