Tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho dầu mỏ, điện than… đang là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang hướng tới. Trong đó, những vật liệu mới có thể tạo ra năng lượng bền vững trong tương lai.
Đây là chia sẻ của các nhà khoa học quốc tế tại tọa đàm “Tương lai của năng lượng” diễn ra sáng 19.1, trong khuôn khổ Tuần lễ VinFuture. Sự kiện nhằm vinh danh những phát minh, sáng chế, có khả năng ứng dụng cao cho cuộc sống, kiến tạo nên môi trường sống bền vững cho tương lai.
Thorium – nguồn năng lượng mới đủ cho 20.000 năm tới
Theo GS Vật lý Richard Friend, ĐH Cambridge (Anh), 30 năm trước đã có những dự đoán thế giới gặp khủng hoảng năng lượng vì dầu, nhưng hiện nay, dự đoán nhu cầu năng lượng trong 20 năm nữa tăng gấp đôi. Điều này dấy lên mối lo ngại trong tương lai sẽ gặp khủng hoảng về năng lượng.
Tuy nhiên, với tiến bộ KH-CN hiện nay, GS Richard Friend nhận định, việc giảm phát thải carbon và kiểm soát mức tăng nhiệt toàn cầu là điều khó nhưng có nhiều phương án để thực hiện. Một trong các phương án được các nhà khoa học đưa ra tại buổi toạ đàm đó là tìm ra các nguồn năng lượng tái tạo.
Dù không thể có mặt trực tiếp tại buổi tọa đàm do dương tính với Covid-19, song GS Albert Mourou, Giải Nobel Vật lý 2018, đã kết nối trực tuyến và có những chia sẻ thú vị để giải quyết khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
Dẫn chứng từ nước Pháp, hiện nay đang dựa vào năng lượng hạt nhân, GS Mourou cho hay, với nguồn năng lượng này các nhà khoa học nhận thấy một số vấn đề liên quan đến quản lý và vận hành, chất thải có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao…
“Chúng tôi đang cố gắng phân tích chu kỳ và hành trình uranium để chuyển sang thorium. Nếu so sánh với than đá, đây là tài nguyên dồi dào và tạo ra chất thải ít hơn rất nhiều so với uranium. Đây là nguồn năng lượng có thể đáp ứng nhu cầu 10 tỉ người trong thời gian 10 – 20.000 năm sắp tới”, GS Mourou chia sẻ.
Theo GS Mourou, Trung Quốc đã có lò sản xuất thorium đầu tiên trên thế giới và điều đó chứng minh chúng ta đang đi đúng lộ trình để tạo đà mở rộng nguồn năng lượng này. Thorium hoàn toàn có thể là một phần trong nguồn cung năng lượng của các quốc gia.
Còn theo GS Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polyme và chất rắn hữu cơ, ĐH California (Mỹ), hiện nay một số quốc gia như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Áo, Thụy Sĩ… đã thành công trong chuyển hướng sang năng lượng xanh. 100% quá trình sản xuất nguồn cung năng lượng của các quốc gia này từ năng lượng tái tạo.
“Chúng ta không chỉ có một mà cần có nhiều phương án khác nhau. Chìa khóa thành công của các quốc gia chính là đa dạng trong cơ cấu nguồn cung năng lượng, giảm chi phí sản xuất, quyết định rõ ràng, môi trường đầu tư thuận lợi, hợp tác công tư và lối sống hành vi của người dân”, GS Thục Quyên nhấn mạnh.
Bà Quyên cho biết, bà đang nghiên cứu về pin mặt trời, công nghệ silicon. Đây là lĩnh vực có thể ứng dụng được để tìm ra nguồn năng lượng tái tạo. Pin mặt trời ứng dụng cao khi lồng ghép vào kính các tòa nhà, có đến 40% năng lượng có thể phục vụ các tòa nhà. Chúng tôi đang nghiên cứu đưa một cách hợp lý vật liệu hữu cơ vào ứng dụng tấm thu năng lượng mặt trời có thể dán ngay ngoài lớp kính của các tòa nhà”, bà Quyên chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Quyên, không thể có một mô hình áp dụng cho mọi nơi thành công. Ví dụ, tại Việt Nam, bà Quyên cho rằng, với lợi thế bờ biển dài từ Bắc đến Nam, miền Trung có nhiều nắng và chúng ta có lợi thế về điện gió. Vì vậy, từng quốc gia phải dùng chính thế mạnh để tạo nên nguồn năng lượng quốc gia.
Ứng dụng công nghệ, vật liệu để giải quyết vấn đề tại Việt Nam
Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học quốc tế chia sẻ về giải pháp cho nguồn năng lượng trong tương lai, PGS-TS Phạm Hoàng Lương (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng: “Quá trình chuyển dịch năng lượng hiện nay là xu hướng toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
“Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, để làm được thì phải có năng lượng xanh, sạch và phải có công nghệ. Việt Nam rất mong muốn ứng dụng công nghệ, vật liệu đó để giải quyết vấn đề này”.
Theo ông Lương, hiện lưới điện quốc gia của Việt Nam còn dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, than, khí. Để chuyển dịch hiệu quả hơn, Việt Nam đang nỗ lực tăng tỷ trọng năng lượng mặt trời trong lưới điện. Để làm được thì phải thay đổi cơ chế vận hành của toàn bộ lưới điện.
“Không dễ để chuyển từ điện truyền thống hóa thạch sang năng lượng tái tạo bởi cần có những công nghệ mang tính chất hỗ trợ các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Hiện nay, nhiều tòa nhà có thể sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, với công nghệ mới có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để điều chỉnh nhu cầu phụ tải. Đó là công nghệ mà chúng tôi đang mong muốn hướng tới”, PGS-TS Phạm Hoàng Lương cho biết.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải các tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời, PGS-TS Phạm Hoàng Lương cho hay, vòng đời kết thúc tất cả các nguồn năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời, điện gió đều có lượng phát thải nhất định. Kết thúc vòng đời xử lý như thế nào là vấn đề cần quan tâm. Phải chăng ta nên nghĩ vấn đề rõ ràng hơn là chuẩn bị trong 5 – 10 năm tới không gặp vấn đề này. Tức là ta phải lên kế hoạch cho việc kết thúc vòng đời các loại năng lượng tái tạo.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về sử dụng pin năng lượng mặt trời hay năng lượng hạt nhân dùng thorium nhưng theo GS Friend, đây là nguồn tài nguyên hiện hữu, nhu cầu rõ ràng, phát triển lạc quan. “Vấn đề đặt ra là phải được tạo điều kiện, khích lệ từ chính sách của chính phủ. Kể cả ở Anh, khích lệ phát triển điện gió ngoài khơi và kế hoạch phát triển như xe điện mạnh mẽ của Việt Nam mà chính phủ ủng hộ. Đó là ví dụ chúng ta có thể lạc quan về tương lai của năng lượng”, GS Friend nhấn mạnh.
Nguồn: Thanhnien.vn