Vì sao cần lùi thời hạn COD cho các dự án điện gió?

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Vì sao cần lùi thời hạn COD cho các dự án điện gió?

Chịu tác động của đại dịch COVID-19, trong số 106 dự án đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại (COD), đến cuối tháng 9 mới có 6 nhà máy được công nhận COD. Ông chủ của hàng chục dự án đang “đứng ngồi không yên” vì hạn chót giá ưu đãi chỉ còn tính bằng ngày. Hàng loạt kiến nghị đã được các nhà đầu tư và UBND các tỉnh thành gửi lên Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn áp dụng COD.

Mới có 6 dự án hòa lưới

Những ngày này, giám đốc một doanh nghiệp điện gió ở Hướng Hóa (Quảng Trị) đang hết sức sốt ruột. Dự án của công ty này đã dựng xong toàn bộ cột gió, nhưng phần việc cuối cùng lại thuộc phạm vi của nhà cung cấp thiết bị là Vestas. Dự kiến các dự án ở Quảng Trị cần phải có 10 chuyên gia nước ngoài, tuy nhiên, vẫn chưa có chuyên gia nước ngoài nào của nhà cung ứng có thể vào Việt Nam. 

“Hầu hết doanh nghiệp đều gặp vướng mắc vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, ông này nói, “Phần việc cuối cùng này nhà cung cấp không cho phép người Việt Nam làm các việc đó. Trong khi, thời gian để hoàn thành những phần việc này phải 15-20 ngày. 2 năm vướng phải dịch bệnh COVID-19, 1 năm vì vướng Luật Quy hoạch nên không triển khai được, các dự án điện gió thực sự gặp rất nhiều vướng mắc”, doanh nghiệp này chia sẻ. 

Nỗi lo lắng  đó không phải chỉ của riêng ông chủ dự án điện gió này khi hạn chót hưởng giá FIT chỉ còn chưa đầy 1 tháng. Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết: Ở Bình Thuận có 6 dự án điện gió, cơ bản đáp ứng tiến độ về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang vướng chồng lấn quy hoạch titan. Nhìn chung, trên phạm vi cả nước, có rất ít dự án có thể kịp tiến độ FIT. Giờ này, 106 dự án đăng ký COD chỉ có 6 dự án hòa lưới. 

“Rất nhiều dự án sẽ bị bỏ lại sau lưng”, ông Thịnh nói, “Thiệt hại cho các nhà đầu tư sẽ là vô cùng lớn. Những gì muốn nói chúng tôi đã nói hết rồi, giờ chỉ còn chờ Chính phủ quyết định thôi”. 

Trực tiếp thi công nhiều dự án điện gió ở Quảng Trị, đại diện liên danh AMACCAO – IC BUILD cho biết: Các dự án điện gió thực sự chịu rủi ro cao do các vấn đề liên quan hợp đồng mua bán điện, quy hoạch hạ tầng lưới điện; quy chế hỗ trợ nhà đầu tư chưa rõ ràng, chưa ổn định, chưa lâu dài… Trong khi các dự án này đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, khả năng thu hồi vốn lâu. Các ngành phụ trợ đi kèm chưa đáp ứng kịp tín độ các dự án điện gió như hệ thống vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng, hệ thống giao thông… 

“Khó khăn trong việc giải phóng, đền bù mặt bằng và ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các dự án điện gió. Trong khi đó, số lượng các đơn vị trong nước tự chủ về máy móc cũng như thực sự làm chủ được công nghệ lắp dựng tuabin điện gió như Liên danh AMACCAO – ICBUILD còn rất ít. Đa số các dự án lắp dựng điện gió rơi vào tay các đơn vị thi công lắp dựng nước ngoài nên bị phụ thuộc đáng kể về tiến độ”, đại diện Liên danh AMACCAO – ICBUILD cho biết. 

Thấp thỏm chờ quyết định cuối cùng    

Số liệu mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 5.655 MW đăng ký thử nghiệm COD thì đến cuối tháng 9.2021, có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD. 

Như vậy, nếu đúng tiến độ thì chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, 106 dự án kể trên sẽ đến hạn chót nhận giá ưu đãi gần 2.000 đồng/kWh theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Đề án quy hoạch điện 8, Viện Năng lượng trích nhận định của EVN cho rằng sẽ có tổng cộng 3.000 MW điện gió vào vận hành trong năm 2021. Nhiều khả năng hàng chục dự án với hơn 2.000 MW điện gió sẽ không kịp COD trước hạn chót 31.10.2021. 

Theo đại diện Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận, mặc dù các chủ đầu tư dự án điện gió đang nỗ lực hết sức cho mục tiêu trên, tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội trong đó có các dự án điện gió, đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành trước 31.10.2021. Do COVID-19, các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam, hoặc đến được thì phải cách ly theo quy định hiện hành (21 ngày). Việc vận chuyển thiết bị (phần lớn là siêu trường, siêu trọng) đến công trường đang gặp rất nhiều trở ngại do nhiều cảng bị phong tỏa, xe trên đường đi chuyển rất chậm do thủ tục khai báo y tế và xét nghiệm COVID ở từng địa phương. Việc thiếu hụt lao động thi công trên công trường một cách trầm trọng vì hàng loạt tỉnh thành đang đồng thời thực hiện cách ly theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, việc điều động nhân công, thiết bị phục vụ thi công gần như bị đình trệ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án… 

Trước những khó khăn trên, đại diện Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời đề xuất “xem xét gia hạn thời hạn giá FIT của điện gió thêm từ 3-6 tháng nhằm trách việc hàng loạt các dự án điện gió bị phá sản. Các nhà đầu tư điện gió cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ và các địa phương trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19”. 

Trong thời gian qua, UBND các tỉnh Đắc Lắk, Sóc Trăng, Gia Lai, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu…, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã có kiến nghị đề nghị gia hạn giá FIT cho điện gió. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong văn bản ngày 15/9 đã giao Bộ Công Thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền. 

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho rằng: Việc xem xét gia hạn áp dụng giá FIT điện gió thêm một thời gian là rất cần thiết. Ngày 20.7.2021, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cũng đã có công văn số 198/CV-VCEA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan kiến nghị gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió trong vòng 3 – 6 tháng.

“Nếu không được gia hạn giá FIT thì trong số hàng trăm dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ có rất nhiều dự án gặp khó về tài chính cũng như giá bán điện sau khi hết hạn giá FIT. Đến lúc này, phương án giá điện gió cho những dự án không kịp tiến độ đó vẫn còn chưa có, nên các nhà đầu tư sẽ đối mặt nhiều rủi ro”

ông Thiện nói.

Nguồn: Laodong.vn

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục