Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

Từ vùng đất khô hạn, nắng gió, tỉnh Ninh Thuận đang từng bước biến bất lợi thành động lực phát triển. Trong đó, các dự án năng lượng điện tái tạo đang được đầu tư đúng hướng, tạo sức bật phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với du lịch và nông nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế của Ninh Thuận. Các dự án năng lượng tái tạo đang góp phần đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 3 năm qua.

Tạo cơ hội phát triển từ nắng và gió

Ngày 31-8-2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023. Sự ra đời của nghị quyết này đã tạo đòn bẩy thúc đẩy và thu hút mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng giúp kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận bứt phá.

Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, đến nay toàn tỉnh đã được bổ sung quy hoạch phát triển điện 5.308 MW từ các dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, điện mặt trời là 2.908 MW, điện gió 842 MW, thủy điện 1.558 MW. Hiện cả tỉnh có 34 dự án điện mặt trời, 11 dự án điện gió và 9 dự án thủy điện. Lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận góp phần khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang hóa, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ đã xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII. Đó là “Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Năm 2021, giá trị gia tăng ngành sản xuất và phân phối điện tại Ninh Thuận đạt hơn 3.613 tỉ đồng, đóng góp 6,84% GRDP toàn tỉnh và đóng góp 6,822 tỉ KWh/năm lên nguồn điện lưới quốc gia. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, các dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm và đưa tỉnh vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 3 năm qua. Về mặt an sinh xã hội, việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo đóng góp cho nguồn thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như nâng cấp hạ tầng giao thông tại khu vực dự án.

Giải tỏa điểm nghẽn trong truyền tải điện

Chủ trương đưa Ninh Thuận trở thành thủ phủ năng lượng tái tạo của cả nước là định hướng đúng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phù hợp với Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là “hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế”. Dù vậy, việc phát triển nhanh các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian ngắn vừa qua cũng đặt ra không ít thách thức cần giải quyết, trong đó có bài toán phát triển hạ tầng truyền tải điện, hạn chế thấp nhất việc cắt giảm công suất phát điện từ các dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết việc phát triển lưới điện truyền tải tuân thủ theo quy hoạch điện VII điều chỉnh và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận theo Quyết định số 667/QĐ-BCT ngày 1-3-2018 của Bộ Công Thương. Các nhà máy điện mặt trời được đầu tư trong thời gian ngắn để được hưởng giá FIT, trong khi thời gian đầu tư các dự án lưới điện truyền tải theo quy trình thông thường mất khoảng 2-4 năm đối với đường dây và trạm 110 KV, khoảng hơn 5 năm đối với đường dây và trạm 500 KV khiến lưới điện truyền tải không theo kịp. Giai đoạn 2019 – 2021, nhiều dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận buộc phải giảm công suất phát điện, dẫn đến thiệt hại cho chủ dự án. Từ năm 2021 trở về sau, các dự án điện gió, điện mặt trời không còn được áp dụng biểu giá bán điện ưu đãi khiến việc thu hút đầu tư trên lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít khó khăn. “Tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thực hiện đối với các dự án chưa được hưởng giá FIT. Ngày 3-10, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và hiện bộ đang phối hợp với các đơn vị để sớm ban hành khung giá phát điện theo quy định” – đại diện Sở Công Thương Ninh Thuận thông tin.

Tiếp tục đầu tư mạnh cho năng lượng tái tạo

Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết để nối tiếp những thành quả đã đạt được giai đoạn 2016-2020, tỉnh này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét cập nhật công suất các nguồn vào quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương từ nay đến năm 2030 với tổng quy mô công suất khoảng 16.820 MW. Cụ thể: Điện gió trên đất liền phát triển khoảng 1.159 MW, điện gió trên biển phát triển khoảng 4.380 MW, điện mặt trời phát triển khoảng 6.781 MW, điện khí LNG phát triển thêm khoảng 4.500 MW.

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục