Thay vì xây bảo tàng mới, có thể đầu tư, sắp xếp để sử dụng hợp lý các bảo tàng hiện có; ưu tiên ngân sách cho các dự án phục vụ người nghèo. Trao đổi với báo chí ngày 11-9, Bộ Xây dựng cho biết quan điểm của bộ là không thúc đẩy triển khai dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào thời điểm này.
Chính phủ quyết, bộ phải triển khai
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 281/2006-TTg ngày 19-12-2006 với tổng mức đầu tư trên 11.000 tỉ đồng. Dự kiến bảo tàng tọa lạc tại Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, tổng mức sử dụng gần 10 ha.
Theo Bộ Xây dựng, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 13-8-2015, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần được nghiên cứu, thực hiện hết sức kỹ lưỡng nên trong giai đoạn 2015-2020, yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu kỹ, hoàn thành tốt công tác chuẩn bị đầu tư và các thủ tục đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kinh phí đầu tư năm 2015 cho dự án; giao Bộ Xây dựng chuẩn bị kế hoạch vốn cho giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu khởi công dự án vào 2021; hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2024.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch trung hạn 2017-2020, dự án không được bố trí nguồn vốn để triển khai các công việc theo chỉ đạo trên. Trong khi đó, bộ này vẫn phải thực hiện đúng trách nhiệm được Chính phủ giao trong văn bản còn hiệu lực trước đó. Vì vậy, mới đây, bộ đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện kết luận nêu trên.
Ngày 11-9, ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng, phân trần với báo chí rằng trong tình hình kinh tế, bố trí ngân sách khó khăn, quan điểm của Bộ Xây dựng là không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này. Thời điểm khởi công sớm nhất vào năm 2021, khi điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước cho phép. Trước mắt cần tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nhất là phần xây dựng nội dung, phương án phân loại và thu thập hiện vật, phương án trưng bày…
“Việc Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ là cần thiết nhằm xin ý kiến của Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia về hoạt động cho các ban quản lý dự án trong thời gian tới và có phương án bố trí ngân sách để các ban duy trì hoạt động” – ông Nam giãi bày.
Ngân sách eo hẹp, nên ưu tiên việc cần thiết
Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia không phải là trường hợp hiếm hoi. Hồi năm 2015, Chính phủ từng đồng ý chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam theo đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Một trong những lý do cho chủ trương này là bởi ở nước ta, một số cơ sở về bảo tàng thiên nhiên đã có từ thời Pháp thuộc song hiện chưa có hệ thống bảo tàng thiên nhiên nên tác dụng phổ biến khoa học, giáo dục, tuyên truyền còn hạn chế.
Theo TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc xây dựng bảo tàng để lưu trữ các hiện vật có giá trị, góp phần giáo dục hiểu biết cho thế hệ trẻ là điều rất quan trọng. Song, trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp như hiện nay thì chưa nên bỏ tiền xây dựng thêm bất cứ bảo tàng nào nữa.
Ông Liêm cho rằng các chuyên gia nên có ý kiến góp ý Thủ tướng Chính phủ tạm dừng các dự án bảo tàng để có tiền cho công tác chăm sóc, đầu tư để các bảo tàng hiện có hoạt động hiệu quả hơn.
“Thủ tướng nên dừng không thời hạn dự án này lại, tránh đẩy Bộ Xây dựng vào tình cảnh phải “lo lắng” làm sao hoàn thành nhiệm vụ. Ngân sách ngày càng thiếu hụt, nợ công ngày càng nghiêm trọng, chỉ nên ưu tiên làm những dự án cấp bách nhất về hạ tầng, đường sá, cầu cống… phục vụ nhu cầu của người dân” – ông Liêm cho biết.
Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh cũng góp ý trong tình hình khó khăn hiện nay, cần có thứ tự ưu tiên rõ ràng với các dự án cấp bách. Không nên căn cứ vào các quyết định cũ và buộc bây giờ phải thực hiện. Bởi lẽ có những quyết định được đưa ra khi ngân sách còn dư dả còn hiện nay, ngân sách rất khó khăn.
“Ưu tiên hiện nay là các công trình bệnh viện, trường học, điện, đường, cầu cho các vùng sâu, vùng xa thay vì chỉ tập trung vào các TP lớn” – ông Doanh nói.
Thùy Dương | Theo NLD