Sáng 02/8/2017, Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính thức tổ chức thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn từ Túy Loan – Đà Nẵng đến Núi Thành – Tam Kỳ (tuyến Km 0+000 đến Km65+000).
Đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn JICA tài trợ được chia thành 8 gói thầu xây lắp chính và 5 gói thầu phụ trợ. Tổng chiều dài đoạn tuyến JICA là 65km, có điểm đầu tại nút giao Túy Loan (Km0+000) và điểm cuối tại nút giao Tam Kỳ (Km65+000) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120km/h (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/h). Quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,25m, chiều rộng mặt đường 22,25m. Riêng đoạn tuyến nối với Quốc lộ 1A theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, vận tốc thiết kế 80km/h. Có 8 liên danh nhà thầu xây lắp chính gồm: Tư vấn thiết kế Nippon Koei Co., Ltd. (Nhật Bản); Tư vấn giám sát phần vốn JICA là liên danh Oriental Consultants Co., Ltd. – Katahira Engineers International – SMEC International Pty, Ltd.
Đối với đoạn tuyến này, các nhà thầu đã thi công 01 hầm chui qua núi Eo; 52 cầu trên chính tuyến; 4 nút giao (Túy Loan, Mỹ Sơn, Hà Lam và Tam Kỳ); 4 trạm thu phí và Trung tâm điều hành chính tại Túy Loan (Km4+000); 75 hầm chui dân sinh; 74 cống hộp, 115 cống tròn thoát nước và 570 hố thu nước; gia cố gần 1.000.000 m² mái dốc; lắp đặt 121km hộ lan tôn sóng; 57,8km tấm chóng chói; 417 biển báo hiệu; đúc và lắp đặt gần 50.000m dải phân cách giữa; sơn kẻ đường khoảng 100km…Khối lượng thi công chính với hơn 14.000.000m³ đào đắp; trên 900. 000m³ cấp phối đá dăm; 700.000 tấn bê tông nhựa các loại…
Điểm nhấn trên đoạn tuyến JICA là hầm qua Núi Eo (Km22+485 – Km23+041), thuộc Gói thầu số 4, được thiết kế và thi công theo phương pháp đào hầm kiểu mới của Áo (NATM). Hầm có thiết kế hầm đôi, gồm 2 hầm đơn: hầm đi về phía Bắc có chiều 556m, hầm đi về phía Nam có chiều dài 515m. Đường trong hầm có tốc độ thiết kế 120km/h, chiều rộng đường 12m; cấp ngăn ngừa thảm họa: cấp B.
Các hạng mục thi công tại hiện trường được kiểm soát bởi các hệ thống quản lý chất lượng theo khung tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu của Dự án, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án, các yêu cầu của hợp đồng và các quy định hiện hành.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được khởi công ngày 19/5/2013, đi qua địa phận TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,52km. Trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 8,02km, được chia làm 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1.640,82 triệu USD (tương đương 34.516 tỷ VNĐ). Trong đó vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA ) là 798,56 triệu USD và vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 590,39 triệu USD. Công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình công cộng, rà phá bom mìn, thuế VAT, quản lý dự án… sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Đây là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do VEC làm Chủ đầu tư, là đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nằm trong Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Khi hoàn thành đưa vào thai thác, tuyến cao tốc sẽ mở ra cơ hội đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Trung, góp phần kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực. Thông qua tuyến cao tốc này, hàng hóa qua cảng Tiên Sa, Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) được vận chuyển thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Việc hình thành tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi; mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư đến với các tỉnh Miền Trung còn khó khăn.
Tuyến cũng dự kiến góp phần phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia qua Hành lang kinh tế Đông – Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam. Không chỉ vậy, tuyến cao tốc này khi đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông thuận lợi, ổn định và liên tục bền vững trong mọi tình huống, đặc biệt trong mùa mưa bão sẽ cùng với Quốc lộ 1A đảm nhận nhiệm vụ quan trọng vận tải hàng hóa và hành khách cho khu vực và cả nước.
Nguyễn Nam | Báo Xây Dựng