Tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Tín hiệu tốt trong thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo

Thời gian qua, hàng chục dự án điện mặt trời (ĐMT) từ các doanh nghiệp trong nước đã chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. 

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) thuộc Bộ Công Thương cho biết: Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Hiện nay, việc các NĐT tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực…

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các dự án điện mặt trời

Ông Hoàng Tiến Dũng. 

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về việc một số dự án ĐMT lúc đầu được giao cho các NĐT Việt Nam nhưng sau này được chuyển nhượng cho các NĐT nước ngoài đầu tư, sở hữu, quản lý vận hành?

Ông Hoàng Tiến Dũng: Tính đến hết ngày 11-5-2020, đã có 92 dự án hoặc một phần dự án ĐMT và 10 dự án hoặc một phần dự án điện gió với tổng công suất gần 6.000MW đã vận hành thương mại. Một số dự án điện gió, ĐMT đã được các NĐT Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần… cho các NĐT nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore… Bộ Công Thương thấy rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho NĐT nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện. Theo quy định hiện nay, việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông… do sở/Bộ Kế hoạch và Đầu tư thụ lý giải quyết tùy theo quy mô dự án.

PV: Theo ông, sự tham gia của NĐT nước ngoài trong việc phát triển NLTT sẽ tác động như thế nào tới ngành điện Việt Nam?

Ông Hoàng Tiến Dũng: Thông thường đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án ĐMT, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, việc các NĐT tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện. Ngoài ra, NĐT nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự kết hợp giữa NĐT trong nước và NĐT nước ngoài trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tổng thể tốt hơn cho NĐT và xã hội.

Đấu thầu cạnh tranh để phát triển năng lượng tái tạo

PV: Có ý kiến cho rằng, việc các NĐT nước ngoài đang tích cực tham gia đầu tư vào các dự án ĐMT của Việt Nam xuất phát từ việc giá bán điện cố định (FIT) của ĐMT quá cao, thưa ông?

Ông Hoàng Tiến Dũng: Trước đây, khi thị trường điện NLTT tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện NLTT cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, để thúc đẩy phát triển thị trường điện NLTT, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá FIT. Đây cũng là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện NLTT, nhờ có những ưu điểm như giá ưu đãi với thời gian dài hạn, tạo tính minh bạch trong đánh giá tính khả thi và huy động nguồn vốn cho dự án; cam kết của Chính phủ về ưu tiên huy động điện phát từ nguồn NLTT; rút ngắn thời gian đàm phán hợp đồng mua bán điện, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho NĐT. Tại Việt Nam, thông qua chính sách giá FIT, hiện đã có gần 6.000MW điện NLTT vào vận hành phát điện.

Quang cảnh Nhà máy Điện mặt trời tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận). Ảnh: HÀ TRUNG

Phải khẳng định rằng, các NĐT trong nước và nước ngoài chỉ đầu tư khi các dự án mang lại hiệu quả, lợi ích cho họ. Vì vậy, giá điện phải được thiết kế để bảo đảm lợi ích cho NĐT thì chúng ta mới hy vọng thu hút được đầu tư. Song theo tôi, giá FIT của các dự án ĐMT vừa qua nếu nói là hấp dẫn sẽ chuẩn xác hơn. Nhưng thực tế cũng cho thấy, trong những năm gần đây, giá ĐMT đã giảm rất nhanh do tiến bộ của khoa học công nghệ. Năm 2017, giá FIT của ĐMT là 9,35 cent/kWh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, vào thời điểm đó là hợp lý. Tuy nhiên, do lường trước được xu thế phát triển của ĐMT nên Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg cũng đã đưa ra thời hạn giá FIT chỉ có hiệu lực đến hết ngày 30-6-2019. Sau thời gian này, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống 7,09 cent/kWh (đối với các dự án ĐMT mặt đất).

PV: Thực tế cho thấy, cơ chế giá FIT khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường. Vậy thời gian tới, cơ chế này có nên thay đổi?

Ông Hoàng Tiến Dũng: Thực tế triển khai cũng cho thấy cơ chế giá FIT bộc lộ một số hạn chế, như: Các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, gia tăng cạnh tranh về đất đai; giá điện FIT khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường nên thường dẫn tới sự phát triển “nóng” ngoài mong muốn. Trong giai đoạn tới, khi thị trường NLTT Việt Nam phát triển, công nghệ NLTT đã có những tiến bộ vượt bậc, chi phí công nghệ giảm mạnh, NLTT có thể cạnh tranh với nguồn năng lượng truyền thống, cần chuyển sang cơ chế mới để khắc phục các hạn chế nêu trên. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu cho phát triển nguồn NLTT thay thế cho cơ chế giá FIT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Theo Quân Đội Nhân Dân Online

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục