Cam kết phát triển năng lượng tái tạo

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Cam kết phát triển năng lượng tái tạo

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định sẽ tuyệt đối minh bạch, khách quan, khoa học và có lộ trình phù hợp thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường trong xây dựng Quy hoạch Điện VIII

Ngày 19-11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).

Giảm điện than, phát triển năng lượng mới

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Bộ Công Thương thực hiện tính toán bổ sung phương án phát triển nguồn điện (phương án điều hành tháng 11-2021) có xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỉ lệ thực hiện nguồn điện không đạt so với quy hoạch, đồng thời xem xét giảm nguồn điện than theo tinh thần của Hội nghị COP26, để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học. 

So với dự thảo quy hoạch tháng 3-2021, phương án điều hành trong dự thảo tháng 11-2021 đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị COP26. Cụ thể, phương án điều hành trong dự thảo tháng 11-2021 đề xuất công suất nguồn đến năm 2030 giảm trên 24.000 MW (từ khoảng 180.000 MW còn 156.000 MW), đến năm 2045 giảm khoảng 36.000 MW (từ 369.500 MW còn 333.500 MW).

Cam kết phát triển năng lượng tái tạo
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 .Ảnh: ĐỨC TUÂN

“Điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Sẽ xem xét lại việc phát triển điện mặt trời, hiện có nhược điểm là có số giờ vận hành hạn chế (tương đương 4 giờ/ngày), chưa có hệ thống lưu trữ năng lượng. Chỉ cần một đám mây đi qua là giảm 40% công suất” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quan điểm Quy hoạch Điện VIII là tính toán cân đối nguồn – tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa, hạn chế thấp nhất truyền tải điện liên vùng (qua tính toán, so với dự thảo quy hoạch trước, lần này cắt giảm hàng ngàn km đường dây 500 KV phải xây mới). Bên cạnh đó, bảo đảm dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc, trong bối cảnh hiện nay tốc độ tăng trưởng điện năng tiêu thụ của miền Bắc cao nhất trong 3 miền.

Ông Mathias Hollander, quản lý cấp cao của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC – tổ chức bao gồm hơn 1.500 doanh nghiệp và tổ chức trong lĩnh vực điện gió trên thế giới), đánh giá cao cam kết “Net Zero” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua, thể hiện vai trò lá cờ đầu của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi sang nền năng lượng sạch tại Đông Nam Á.

Phù hợp vùng miền

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng Quy hoạch Điện VIII phải được tính toán một cách khoa học, kỹ lưỡng, cân nhắc tất cả yếu tố để bảo đảm mục tiêu cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; phù hợp với những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng điện và xu thế thời đại; thực hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về bảo vệ môi trường, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Với phiên bản Quy hoạch Điện VIII xin ý kiến tại buổi làm việc này, các chuyên gia, nhà khoa học đã thống nhất xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 MW, giảm hơn 28.000 MW so với phương án trình tháng 3-2021, tương đương giảm gần 800.000 tỉ đồng đầu tư. Nếu không tính điện mặt trời, hệ số dự phòng toàn quốc giảm từ hơn 69% còn 43%, bảo đảm an toàn hệ thống. 

Cơ cấu nguồn điện phù hợp hơn, giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng điện gió trong tổng cơ cấu. Các chuyên gia cũng đồng thuận cao về việc không tính điện mặt trời vào tổng cân đối của hệ thống điện quốc gia do đặc điểm hạn chế về thời điểm, thời gian và đặc tính không ổn định, chưa có giải pháp lưu trữ ổn định của loại hình năng lượng này. Do đó, sẽ khuyến khích phát triển điện mặt trời để đáp ứng các yêu cầu tự sản xuất, tự tiêu dùng.

Phó Thủ tướng cũng nhất trí với nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã có bước định hình quan trọng về tư duy và giải pháp bố trí nguồn điện phù hợp với đặc điểm từng vùng miền; hạn chế tối đa đầu tư đường dây và thất thoát trong công tác truyền tải. Theo đó, đã giảm hơn 6.600 km đường dây truyền tải, tương đương khoảng hơn 250.000 tỉ đồng đầu tư.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để tiếp thu các góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Phải bám sát để có lộ trình phù hợp thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách, giải pháp để sử dụng hiệu quả, hợp lý hơn nguồn năng lượng mặt trời, trong đó ưu tiên phát triển các công nghệ lưu trữ; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp tại các khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời; có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi; cơ chế huy động nguồn vốn để phát triển nguồn điện.

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm chuyển đổi dần, từng bước sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong xây dựng và phê duyệt quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ bảo đảm tuyệt đối minh bạch, khách quan, vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có một hội nghị với các địa phương để thống nhất bố trí các dự án nguồn điện phù hợp với đặc điểm riêng của từng vùng miền, địa phương.

Nguồn: Báo Người Lao Động

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục