Báo cáo cập nhật về tiềm năng tài nguyên năng lượng của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho thấy: Các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu khí) và thủy điện lớn của Việt Nam sẽ sớm đạt “mức trần” khả năng khai thác.
Nếu tiếp tục phát triển các loại nguồn dựa vào tài nguyên hóa thạch, trên thực tế, chúng ta đã phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu than, hoặc sẽ sớm phụ thuộc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo lại có tiềm năng khá dồi dào, nhất là điện gió và điện mặt trời.
Dưới đây là số liệu cụ thể về tiềm năng tài nguyên năng lượng của Việt Nam trong báo cáo của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam (cập nhật tháng 11/2020):
1/ Thủy điện
Tiềm năng kinh tế – kỹ thuật thủy điện nước ta đã được xác định: Thủy điện vừa và lớn (khoảng 20 GW); thủy điện nhỏ (khoảng 6.000 – 7.000 MW.) Đến nay, chúng ta đã xây dựng được 19,7 GW thủy điện vừa và lớn, dự kiến giai đoạn 2020 – 2025 có thể xây dựng thêm khoảng 1,8 GW (bao gồm cả mở rộng các nhà máy hiện có). Với thủy điện nhỏ, dự kiến còn có thể xây dựng thêm khoảng 2,5 GW.
Có thể nói, tiềm năng phát triển thủy điện của Việt Nam đã gần cạn kiệt.
2/ Khí đốt
Trữ lượng cấp 2P (cấp tương đối chắc chắn) của Việt Nam khoảng 432 tỷ m3. Đến nay đã khai thác khoảng 150 tỷ m3. Các khả năng cung cấp khí được tính theo 2 phương án, trong đó, phương án cung cơ sở được chọn để xét khả năng cấp khí cho sản xuất điện (với ước tính nhu cầu khí ngoài điện khoảng 2 tỷ m3/năm).
Cụ thể, tổng cung khí trong nước cho sản xuất điện (phương án cơ sở) của năm 2020 là 7,7 tỷ m3; năm 2025 là 14,6 tỷ m3 (chủ yếu từ mỏ khí Cá Voi Xanh và Lô B); năm 2030 là 9,2 tỷ m3 và giai đoạn từ năm 2035 – 2045 là 7,7 tỷ m3/năm.
Còn tiềm năng, trữ lượng khí tại mỏ Kèn Bầu được phát hiện khá lớn (ước tính có thể tới 200-:-250 tỷ m3), nhưng hiện chưa được khẳng định chắc chắn về trữ lượng.
Về khả năng nhập khẩu nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), theo đánh giá của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Thị trường LNG toàn cầu đã được phát triển hàng chục năm. Lượng giao dịch LNG năm 2019 là 485 tỷ m3, trong đó Nhật Bản (105,5 tỷ m3), Trung Quốc (84,8 tỷ m3) và Hàn Quốc (55,6 tỷ m3) là những nước nhập khẩu lớn nhất trong khu vực châu Á.
Còn các nước xuất khẩu lớn nhất năm 2019 là Quatar (107 tỷ m3), Úc (104,7 tỷ m3) và Mỹ (47,5 tỷ m3) là những nước xuất khẩu LNG lớn nhất.
Theo đó, Việt Nam chỉ có khả năng nhập khẩu LNG từ Úc, Quata, Nga, Mỹ và các nước Trung Đông.
3/ Than
Tổng trữ lượng than Việt Nam được xác định khoảng 2,2 tỷ tấn, chủ yếu ở bể Đông Bắc, có thể khai thác trong khoảng 40 năm nữa (với mức khai thác như hiện tại).
Theo số liệu tính toán, khai thác than thương phẩm sẽ đạt khoảng 53 – 54,8 triệu tấn vào giai đoạn 2030 – 2035. Ngoài cấp cho sản xuất điện, than còn cung cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp (như xi măng, hóa chất, thép…). Như vậy, khả năng nguồn cung than trong nước cho sản xuất điện chỉ đủ cho 14.000 MW nhiệt điện than hiện có, còn các nhà máy đang xây dựng đều phải dùng than trộn, hoặc than nhập khẩu.
Theo tính toán, trong trung và dài hạn, than trong nước chỉ cấp cho điện từ 35 đến dưới 40 triệu tấn/năm. Do đó, Việt Nam sẽ phải tăng cường nguồn than nhập khẩu. Năm 2019, chúng ta đã nhập khẩu 43,8 triệu tấn, trong đó cho phát điện khoảng 17 triệu tấn.
Để nhập khẩu than cho sản xuất điện trong thời gian tới, theo các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam chỉ có thể nhập khẩu than từ Indonesia, Úc, Nam Phi và Nga.
4/ Các nguồn năng lượng tái tạo “phi thủy điện”
Về điện gió: Tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió (trên bờ) của nước ta khoảng 217 GW và tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió (ngoài khơi) khoảng 160 GW.
Về điện mặt trời: Ước tính tổng tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời của Việt Nam như sau: Điện mặt trời (quy mô lớn trên mặt đất) khoảng 309 GW; điện mặt trời (trên mặt nước) khoảng 77 GW và điện mặt trời (trên mái nhà) khoảng 48 GW.
5/ Các nguồn năng lượng tái tạo khác:
– Điện sinh khối: Tổng tiềm năng lý thuyết điện sinh khối của Việt Nam khoảng 13,7 GW (quy đổi). Còn xét về tính kinh tế – kỹ thuật, trong tương lai chúng ta có khả năng xây dựng khoảng 5 GW nguồn điện này.
– Điện rác thải: Tổng tiềm năng 1,5 GW, tập trung tại Nam bộ (khoảng 1 GW). Hiện chúng ta đã có 3 nhà máy sản xuất điện từ rác thải đang vận hành, với tổng công suất 10 MW.
– Điện địa nhiệt: Tiềm năng kỹ thuật khoảng 0,7 GW, phần lớn ở miền Bắc (0,4 GW).
– Điện thủy triều: Tiềm năng kỹ thuật khoảng 2 GW, phần lớn ở miền Trung (1,6 GW). Về nguồn điện này, hiện chúng ta mới đang ở giai đoạn nghiên cứu khả năng phát triển.
– Điện khí sinh học: Tiềm năng kỹ thuật khoảng 2 GW. Dự án sẽ theo quy mô trang trại nên công suất khá nhỏ, suất đầu tư lớn, vì vậy theo đánh giá của các chuyên gia thì nguồn điện sinh học ở Việt Nam khó phát triển rộng rãi trong giai đoạn tới.
Qua tổng hợp tiềm năng tài nguyên trên đây cho thấy: Các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu khí) và thủy điện lớn của Việt Nam sẽ sớm đạt “mức trần” khả năng khai thác. Nếu tiếp tục phát triển các loại nguồn dựa vào tài nguyên hóa thạch, trên thực tế, chúng ta đã phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu than, hoặc sẽ sớm phụ thuộc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo lại có tiềm năng khá dồi dào, nhất là điện gió và điện mặt trời./.
Nguồn: nangluongvietnam.vn