Chưa có giá bán điện, chủ đầu tư điện gió ở Gia Lai lo tính lời lỗ

theo dõi khang đức trên google news

Home >> Chưa có giá bán điện, chủ đầu tư điện gió ở Gia Lai lo tính lời lỗ

Hiện chưa có giá bán điện cụ thể đối với các dự án điện gió (hoàn thành sau ngày 31.10.2021, bao gồm dự án đã vận hành một phần và dự án chưa vận hành), nhiều chủ đầu tư lo lắng vì nguy cơ thiếu nguồn tiền xoay vòng để bù cho các chi phí thi công, lắp điện turbine điện.

Sẽ kéo dài thời gian thu lợi nhuận

điện gió gia lai
Chủ đầu tư điện gió ở Gia Lai chờ đợi giá bán điện để sớm có nguồn thu. Ảnh T.T

Tại Gia Lai, hiện có 5 dự án điện gió với công suất 341,2MW dù đã hoàn thiện nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại. Việc chưa có giá bán điện cụ thể khiến nhiều chủ đầu tư điện gió lo lắng cho kế hoạch hoàn vốn, tính toán lợi nhuận… 

Ông Đỗ Xuân Dũng – đại diện dự án điện gió Chơ Long – Yang Trung (huyện Kông Chro, Gia Lai) – cho biết, điện gió Chơ Long có 11/35 turbine hoàn thành trước 31.12.2021, được hưởng cơ chế ưu đãi giá điện (FIT). Dự án điện gió Yang Trung đang triển khai thi công lắp đặt 2 turbine cuối cùng để hòa lưới điện.  

Theo ông Dũng, do Bộ Công Thương chưa ban hành giá bán điện nên doanh nghiệp chưa tính toán được lợi nhuận, điểm hòa vốn. Doanh nghiệp cũng lo thiếu nguồn tiền quay vòng để bù cho chi phí thi công, triển khai dự án, khó khăn khi trả lương cho các nhân công nước ngoài đang ở lại Việt Nam. 

“Thông thường, một dự án điện gió có điểm hòa vốn tầm 10 năm, khi đã xác định được giá FIT. Tuy nhiên hiện tại chưa có giá bán điện cụ thể nên chưa thể tính toán được gì, nếu giá mua điện gió giảm xuống khi không được hưởng ưu đãi nữa, thì việc hoàn vốn phải kéo dài 13 năm, sau đó nhà đầu tư mới tính toán được lợi nhuận cho dự án. 

Hầu hết các dự án điện gió nghìn tỉ đều vay vốn các ngân hàng thương mại, trả lãi suất cao, giải ngân theo khối lượng công việc, nên khi chưa có giá bán điện, doanh nghiệp đều lo lắng thiếu có nguồn tiền quay vòng để chi trả cho nhà thầu thi công”, ông Dũng cho hay. 

Cần xây thêm nhiều trạm biến áp 500KV

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, với nhiều dự án nguồn năng lượng tái tạo hiện đang triển khai trên địa bàn tỉnh thì lưới điện truyền tải hiện hữu không đáp ứng được. 

Hệ thống lưới điện truyền tải công suất của bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ở Gia Lai triển khai đầu tư còn hạn chế, chậm trễ so với kế hoạch, không đồng bộ dẫn đến những khó khăn trong việc giải tỏa công suất của một số các dự án điện tại các khu vực có tiềm năng phát triển cao. 

Gia Lai kiến nghị cần sớm ban hành giá bán điện cho các dự án điện gió được hoàn thành sau ngày 31.10.2021 (bao gồm cả các dự án đã vận hành một phần và dự án chưa vận hành).

Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875MW, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 539.000 tỉ đồng. Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng với tổng công suất 1.142MW, Gia Lai thu hút được một nguồn lực đầu tư đáng kể với hơn 40.000 tỉ đồng. 

Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút và đưa vào hoạt động mới các dự án về năng lượng tái tạo trên 3.000MW-3.500MW, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 156.000 tỉ đồng.   

Đến năm 2030, Gia Lai đặt mục tiêu thu hút 1.500MW điện năng lượng tái tạo, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới để góp phần cung cấp năng lượng điện quốc gia, đáp ứng cho các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.   

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, ngành chức năng sẽ tiếp tục khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải, đặc biệt là đầu tư xây dựng các trạm biến áp 500KV. Việc này phù hợp với Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia, để đáp ứng được yêu cầu giải tỏa công suất cho các dự án nguồn điện trên địa bàn, đồng thời tăng cường năng lực truyền tải điện. 


Theo Quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, dự án vận hành trước 31.12.2020 sẽ được hưởng giá FIT 7,09 cent một kWh (tương đương 1.644 đồng một kWh) với dự án điện mặt trời mặt đất. Giá với điện mặt trời nổi là 7,69 cent một kWh (khoảng 1.783 đồng một kWh) và điện mặt trời mái nhà 8,38 cent một kWh, tức 1.943 đồng mỗi kWh.

Còn dự án điện gió vận hành thương mại trước 1.11.2021, theo Quyết định 39 năm 2018 là 9,8 cent một kWh (2.223 đồng một kWh) với dự án trên biển; dự án trên bờ là 8,5 cent (1.927 đồng) một kWh.

Tại Gia Lai trong năm 2021, dù dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách của tỉnh Gia Lai vẫn đạt hơn 7.880 tỉ đồng, đạt 156,15% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, riêng khoản thu từ các công trình điện gió đạt trên 2.100 tỉ đồng.


Theo: Báo Lao Động

Rate this post

Bài viết cùng chuyên mục